10 thói quen có nguy cơ gây ung thư, đừng chủ quan

Bên cạnh yếu tố di truyền, một số thói quen xấu như ăn uống không lành mạnh, uống rượu bia, lười vận động… làm tăng 30-50% nguy cơ mắc bệnh ung thư.

thói quen nguy cơ gây ung thư

Bác sĩ Trần Vương Thảo Nghi - Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chỉ ra 10 thói quen có nguy cơ gây ung thư sau đây.

1. Lạm dụng đồ ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp

Bác sĩ Trần Vương Thảo Nghi dẫn nghiên cứu cho thấy, khi tiêu thụ đều đặn 50 gram thịt chế biến sẵn mỗi ngày, nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng tăng 18%. Số lượng tiêu thụ theo thời gian càng nhiều, càng kéo dài thì nguy cơ càng cao. Vì vậy, hãy hạn chế thực phẩm chế sẵn, thức ăn nhanh; bổ sung rau xanh, trái cây tươi… (1)

2. Ăn nhiều đường, chất tạo ngọt nhân tạo

Tiêu thụ nhiều đường hoặc chế độ ăn nhiều carbohydrate không trực tiếp làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Tuy nhiên, chế độ ăn dư thừa carbohydrate có thể gây thừa cân, béo phì, đường huyết cao, tăng huyết áp, mỡ máu, đái tháo thường… Thừa cân, béo phì cũng được cho là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.

ăn nhiều đồ ngọt nguy cơ ung thư

Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), một vài nghiên cứu trên động vật cho thấy các chất làm ngọt saccharin, aspartame, sucralose và cyclamate có thể là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư; nhưng hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu nào có thể trực tiếp minh chứng điều này. (2)

3. Uống nhiều rượu bia

Lạm dụng rượu bia trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư như ung thư thực quản, dạ dày, vú, gan. Các thống kê nghiên cứu y khoa cho thấy tiêu thụ rượu với lượng từ 14g/ngày trở lên làm tăng nguy cơ ung thư vú 23%, 17% ung thư ruột kết và ung thư thực quản.

4. Hút thuốc lá

Nicotin và nhiều hóa chất khác trong thuốc lá được xem là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư như ung thư phổi, tụy, thực quản, bàng quang….

hút thuốc nguy cơ ung thư

5. Không uống đủ nước

Uống nước lọc giúp làm loãng các chất gây hại trong nước tiểu và đẩy chúng ra khỏi bàng quang nhanh hơn, hạn chế sự tích tụ các chất độc hại có thể gây đột biến trong tế bào cơ thể. Ngoài ra uống đủ nước đảm bảo các cơ quan trong cơ thể hoạt động một cách bình thường. Dù chưa có bằng chứng rõ ràng nào cho việc uống đủ nước sẽ làm giảm nguy cơ ung thư bàng quang, nhưng việc uống đủ 2-2,5 lít nước mỗi ngày được cho làm giảm nguy cơ viêm nhiễm bàng quang.

6. Vệ sinh răng miệng kém

Một nghiên cứu từ Tạp chí Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ ghi nhận, ở nhóm người có viêm nha chu thì nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi và ung thư đại trực tràng cao hơn ở nhóm người không có viêm nha chu. Cần có thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn để xác định rõ việc này.

7. Ngồi một chỗ lâu

Một đánh giá số liệu thống kê từ 43 nghiên cứu quan sát (trên 4 triệu người và 68.936 ca mắc bệnh ung thư) của các nhà khoa học Đức, được đăng trên Tạp chí của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, ghi nhận rằng cứ thêm 2 giờ ngồi một chỗ mỗi ngày, nguy cơ mắc ung thư đại tràng tăng 8%, nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung tăng 10%, nguy cơ mắc ung thư phổi tăng 6%. Việc ngồi lâu có thể không tự mình là một yếu tố nguy cơ, mà có thể liên quan đến các yếu tố khác (ví dụ: ăn nhiều đồ ngọt, lạm dụng thực phẩm đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn, thức uống có cồn… trong lúc ngồi xem tivi). Cần có thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn để xác định rõ việc này. (3)

Theo Bác sĩ Trần Vương Thảo Nghi, để cải thiện tình trạng ngồi lâu đối với nhân viên văn phòng, hãy cố gắng đứng lên vươn vai, di chuyển quanh bàn làm việc sau mỗi 2 tiếng nhằm giúp máu lưu thông tốt hơn. Bạn cũng có thể kết hợp đi bộ, leo cầu thang bộ, sử dụng ghế tựa lưng phù hợp, dùng bàn đứng làm việc… để hạn chế ngồi quá lâu một chỗ.

8. Căng thẳng kéo dài

Căng thẳng kéo dài không trực tiếp gây ung thư, nhưng là tác nhân gây nên một loạt các thói quen không tốt cho cơ thể (như tăng nguy cơ sử dụng thuốc lá, mất kiểm soát trong chế độ dinh dưỡng, lười vận động và sử dụng các thức uống chứa cồn…). Sự kết hợp giữa tình trạng căng thẳng kéo dài và các thói quen không tốt khác có thể làm cho sức khỏe bị sa sút về mặt thể chất lẫn tinh thần; điều này cũng có thể làm rối loạn cơ chế tự bảo vệ, làm cho cơ thể mất đi khả năng tự sửa chữa những rối loạn về mặt tế bào.

căng thẳng kéo dài nguy cơ ung thư

9. Thức khuya

Thức khuya có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, cũng có thể làm rối loạn cơ chế tự điều hòa của cơ thể. Khi cơ chế tự điều hòa bị rối loạn, có thể làm cho cơ thể mất đi khả năng tự sửa chữa những rối loạn về mặt tế bào, là tiền đề hình thành những tổn thương tiền ung thư.

Việc xây dựng và duy trì các thói quen tốt về sức khỏe thể chất - sức khỏe tinh thần - dinh dưỡng - vận động hàng ngày có thể góp phần làm giảm các yếu tố nguy cơ, từ đó giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh ung thư. Ngoài ra bạn nên chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư để sớm phát hiện và điều trị kịp thời.

10. Ít vận động, chơi thể thao

Tập thể dục, thể thao đều đặn có thể giúp cơ thể chống lại ung thư vú, ruột, bàng quang, thận, phổi, dạ dày… Các số liệu thống kê từ nhiều nghiên cứu cho thấy, nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng giảm đến 27% đối với người thường xuyên tập thể dục.

Bạn nên duy trì tập thể dục ít nhất 3 giờ/tuần, tùy thuộc vào thể trạng để điều chỉnh cường độ phù hợp. Bác sĩ Trần Vương Thảo Nghi nhấn mạnh, đối với những người thường xuyên làm việc với máy tính, ngồi lâu, tập thể dục đặc biệt quan trọng.

Link nội dung: https://cdsphagiang.edu.vn/nhung-chat-gay-ung-thu-nhanh-nhat-a33397.html