“Hai vợ chồng tôi chưa khi nào cãi nhau trong suốt ngần ấy năm sống chung”, anh Lê Hồng Sơn, CEO của công ty du lịch VinaTravel mở đầu cuộc nói chuyện về hôn nhân của mình như thế.
Lúc tôi còn bán tín bán nghi, anh Sơn đã tiếp lời “vì tôi làm việc gì đều nói thật với bà xã hết, không giấu diếm gì, dù cho đó có là việc xấu”. Bên cạnh, chị Lâm Thảo nghe chồng nói thế thì cười ngất.
Vợ chồng anh Hồng Sơn và chị Lâm Thảo trong một chuyến đi.Họ ngồi cùng nhau trong quán cà phê, nói chuyện về mình mà như đang nói với nhau. Anh vững vàng trong bóng dáng của một người đàn ông trụ cột. Chị hiền lành, ánh mắt tràn ngập sự yêu thương và ngưỡng mộ anh, nhưng lại là tay hòm chìa khóa của cả nhà và cả công ty. Họ không nói về những ngày khởi nghiệp khó khăn, đầy vất vả từ hai bàn tay trắng. Với họ, những ngày ấy bây giờ là những ký ức đẹp, anh Sơn vẫn đùa “những gì làm được hôn nay, dù không lớn lao gì, nhưng là minh chứng cho câu nói của ông bà từ ngàn xưa - thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”…
Họ quen nhau khi chị đã là sếp của một công ty của Nhật, chễm chệ ngồi phỏng vấn nhân viên. Còn anh chỉ là một anh chàng vào xin việc như bao nhiêu người khác, vậy mà ông trời lại se duyên họ với nhau. Chữ duyên, quả thật rất khó nói.
Quen nhau, nên anh đành phải “kiếm cái khác làm, ai lại làm “lính” cho cô ấy”. Đó có lẽ cũng là cơ duyên khiến họ thành lập công ty du lịch và công ty thành công cho đến ngày hôm nay. Nhưng, khởi đầu nào mà không khó khăn. Cái khó khăn lớn nhất là tuổi trẻ, vừa còn thiếu kinh nghiệm, vừa thêm tính “ham chơi”, anh làm bán sống bán chết, anh vẫn không có gì. Bấp bênh như thế mãi thấy không ổn, chị Thảo đề nghị cưới nhau, “vì đàn ông, có gia đình rồi, có lẽ sẽ nghiêm chỉnh hơn”, chị nói.
Họ cưới. Và sau đó là một hành trình thật dài suốt 7 năm trời để tìm con. Lý do thì chẳng cụ thể, nhưng mãi chẳng có tin vui, đâm sốt ruột. Có những lúc cảm thấy chuẩn bị bỏ cuộc, anh chị lại động viên lẫn nhau. “Thực ra, kết cuộc cuối cùng của hôn nhân đâu phải là những đứa con. Có người, họ vẫn yêu nhau cả đời mà đâu cần gì đến con cái đâu”, anh động viên chị.
Nhưng, đàn bà vẫn có những giác quan của riêng mình. Lòng chị vẫn khao khát được làm mẹ, được bồng ẵm con. Và, chị vẫn mơ hồ nhận thấy anh không vui. Anh đi chơi nhiều hơn, lâu lâu lại nhậu. Công ty thì bỏ bê, lại thua lỗ. Điều ấy càng khiến chị quyết tâm làm gì đó cho hôn nhân của mình.
Trước tiên, chị nghỉ việc ở một công ty có thu nhập tốt, về ngồi ở công ty giúp anh quản lý về tài chính, tổ chức lại quy trình, quản lý khảo sát tất cả các khâu. Có chị, công ty như hồi sinh. Quả thật, đàn ông luôn cần bên mình một người phụ nữ là thế, để lắng nghe, để chia sẻ và thậm chí là để cầm cương. Anh bỗng dưng thấy vai trò của vợ quan trọng hơn bao giờ hết. Từ ngày có chị, công ty bỗng ăn nên làm ra hơn. Họ ngồi lại cùng nhau, cùng bàn bạc, tháo gỡ về mọi vấn đề.
Anh Sơn đến giờ vẫn bảo “bà xã về công ty làm, tội nghiệp. Vì Thảo du học ở Nhật về, thông thạo hai ngoại ngữ nên các công ty săn đầu người mời chào mãi, với mức thu nhập tốt. Nhưng, nhìn thấy chồng cứ loay hoay, vừa làm vừa chơi như tôi, nên Thảo phải hy sinh nhiều”. Sự hy sinh nào rồi chắc chắn cũng sẽ được đền đáp. Giữa sóng gió công việc, họ có tin vui. Một cặp song sinh có trai, có gái chào đời ngay ngày đầu năm khiến công việc và hạnh phúc của họ dường như thêm thăng hoa. Năm ấy, anh Sơn lại mở thêm một công ty nữa chuyên về vận chuyển, giao nhận. Họ lại liên tục nhận được các khách hàng lớn tín nhiệm, ký hợp đồng hợp tác.
Những ngày sau khi sinh con, gặp hai vợ chồng ai cũng xuýt xoa. Vì đi công tác ở đâu Thảo và anh Sơn cũng đều phải ẵm con theo. Nhìn vất vả vậy, nhưng họ vui hơn, hạnh phúc hơn. Có con, như tiếp thêm động lực làm việc cho cả hai vợ chồng.
Đi khảo sát, hai vợ chồng mỗi người một đứa, chồng ẵm em gái, vợ bồng em trai. Có những chương trình phải tổ chức cho các công ty hàng ngàn nhân viên, hai vợ chồng phải chạy đôn chạy đáo, thế nhưng hai con vẫn theo bố mẹ. Với vợ chồng họ, hình như được nhìn thấy con bên mình, họ sẽ tăng thêm sức mạnh tinh thần, chẳng quản ngại gì mệt nhọc.
Họ nắm chặt tay nhau, từ từ đi qua những ngày gian khó.
Hỏi Thảo có hối hận không khi quyết định từ bỏ một công việc tốt, có địa vị, có thu nhập, phù hợp với kiến thức mình đã được đào tạo, để về bươn chải, vun vén, quản lý cùng chồng một công ty. Thảo cuời, vẫn hiền lành và ít lời như bản chất cô ấy. Nhưng, có lẽ Thảo tin mình quyết định đúng. Vì cứ bôn ba ngoài kia, đời có lẽ không tặng cho cô những ngọt ngào như thế, lung linh đến thế. Thảo kể “có lần anh Sơn khoe với bạn, vợ chồng mình mỗi ngày gặp nhau hầu như trọn vẹn, nghĩ lại cũng ghê thật chứ”.
Mà thực tế là vậy, họ ngồi cùng phòng làm việc với nhau, nhìn thấy nhau mỗi ngày, ăn sáng, ăn trưa cùng nhau. Rồi Thảo lại nhận được nhiều thắc mắc, vợ chồng làm việc cùng nhau có trở ngại gì không, nhìn thấy nhau nhiều như vậy có nhàm chán quá không, có thấy mất tự do không… Nhiều quá những câu hỏi, nhưng chưa khi nào khiến Thảo và cả Sơn bận tâm. Họ biết họ nên làm như thế nào cho đúng với hôn nhân của mình.
Biết cách làm tươi mới mình, chiều chuộng nhau, tôn trọng việc riêng của mỗi người. “Sợ nhất là vợ chồng không có thời gian dành cho nhau, không cùng chí hướng và không biết nói gì với nhau chứ. Những điều này chúng tôi có đủ mà, thì tại sao lại sợ?”, anh Sơn chia sẻ như thế.
Và cứ thế, họ cùng nhau làm việc, cùng nhau song hành trên mọi nẻo đường, cùng bồng ẵm cưng nựng những đứa con. Thành công của việc cùng nhau ấy, là những gì họ làm được đến hôm nay, thành công trong hạnh phúc gia đình, uy tín với đối tác. Với họ, đã là quá đủ đầy.
Đoàn Tâm
Link nội dung: https://cdsphagiang.edu.vn/yeu-nhau-nhung-khong-biet-noi-gi-a46008.html