Nguyễn Phương Liên

Bố già - cái tên có vẻ khá quen thuộc với chúng ta nhỉ, Tôi có cơ duyên biết đến và xem nó từ một người anh,Lúc đầu, tôi khá chú tâm vào nó, chuẩn bị tâm thế vững vàng để lau nước mắt. Và rồi…

Bộ phim dài 128 phút, xoay quanh cuộc sống thường ngày của ông Sang, cậu con Trai Woắn và bé Bù Tọt… cùng những thành viên trong gia đình ông Sang (anh chị em ruột)

Họ sống chung với nhau trong một con hẻm - nơi hễ cứ thủy triều lên là ngập, nước vào đến tận trong nhà và lên quán nửa bánh xe.

Bộ phim đã lưu lại nhiều cảm xúc trong tôi, khiến tôi phải tự nhìn nhận về chính bản thân mình, về những gì mà mình chưa thể làm được cho bố của tôi. Chính vì thế mà, ấn tượng với tôi nhất, đem đến cho tôi nhiều cảm xúc nhất, không ai khác đó là hình ảnh “Bố già - ông Sang”

Ông Sang - người cha thật thà, chất phác, và luôn coi gia đình là nhất, một người đàn ông sống tình cảm, đôi khi lấn át cả lí trí, một người luôn coi anh em trong nhà là nhất, hễ có chuyện gì là cứ giúp đỡ mà quên mất rằng họ từng đối xử thế nào với mình.

Ông Sang - người duy nhất xem chú Qúy là “con người”Ông Sang - người đã giấu con trai nuôi đứa cháu ruột của mình trên cương vị là một người cha.

Có thể nói, Trấn Thành đã khắc họa rất thành công nhân vật ông Sang - một biểu tượng đậm nét cho người cha già khắc khổ, sống chắt chiu vì con cái, điển hình của một ông bố miền quê Việt Nam - và cũng phần nào đó có chứa chấp dáng vẻ của một người mẹ!

Người luôn càu nhàu vì mấy đồng tiền, người không dám tiêu một xu nào cho chính mình nhưng sẵn sàng dành cả gia tài để cứu lấy người thân, người tối ngày tất bật chạy ngược chạy xuôi cũng chỉ vì mấy đồng tiền ít ỏi,

Bố - mỗi khi ta đang ngủ ngon giấc trên chiếc sôfa thì lại giục ta dậy lên giường ngủ để khỏi đau lưng, phiền đến thế cơ chứ!Bố - luôn chừa lại thức ăn cho khi ta mỗi lúc ta đang trong cơn hờn dỗi,Bố - chỉ luôn mong ta sống sao cho tốt mà không màng tới bản thân,Bố - “không cần mua quần áo mới cho bố đâu, bố còn đầy quần áo chưa mặc tới”,Bố - “mày còn ốm, lo gì được cho tao!”Bố! Thực sự rất phiền!

Người luôn kì kèo để tiết kiệm từng đồng, người đã cho nước vào chai dầu gội đã hết để dùng tiếp, người không muốn con mua quần áo mới cho chính mình vì tiếc tiền nhưng trong thâm tâm thực sự rất hạnh phúc.Người luôn chê bai con chẳng làm gì nên hồn, nhưng cũng là người luôn quan tâm con đến từng miếng ăn, giấc ngủ.Người luôn mong cho con của mình trưởng thành, nên người.Người sẵn sàng chọn cái chết chứ nhất định không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con trai mình.

Vào tầm nửa cuối bộ phim, tất cả tinh hoa đều kết lại để làm nổi bật một vẻ đẹp: tình cha con!Tác phẩm chỉ xoay quanh một gia đình nhưng trong có có cả dáng dấp của một xã hội thu nhỏ,

Gia đình luôn là nơi mà ta xem là niềm hi vọng cuối cùng để bấu víu vào mỗi khi gặp khó hay nhà là nơi để trở về, nhưng “gia đình” cũng có thể quay lưng đi khi ta cần đến họ - đó là cái “gia đình” mà theo phát ngôn của ông Sang - ông Sang vốn dĩ đã có gia đình riêng, có một câu con trai và Bù Tọt, còn cái “gia đình mà” ông đang nói tới đáng lẽ ra là họ hàng theo lời của Woắn)

Người nhà, những người không một ai sẵn sàng hy sinh một phần lợi ích của chính mình để cứu lấy mạng sống của ông Sang. Người nhà, ai nấy cũng chỉ biết khóc lóc, nhưng không phải là những giọt nước mắt dành cho ông, mà dành cho chính họ. Người nhà, là những người mà ông đành dành dụm cả đời để cưu mang nhưng đến cuối cùng, cũng chẳng ai có thể giúp đỡ ông.

Để rồi ta biết rằng, ở đời quan trọng là tấm lòng, chứ không phải cứ ruột thịt mới có thể hi sinh cho nhau.

Woắn, một đứa con trai bướng bỉnh của tuổi mới lớn, một kẻ mơ mộng đến ngông cuồng, nhưng đã phải khóc lóc để cầu xin những “người nhà” ra tay giúp đỡ bố mình, đến cuối cùng, tự mình phải hy sinh dù là tính mạng để cứu lấy ông bố - cả cuộc đời chưa từng một ngày được sung sướng. Người bố già không may qua đời sau cuộc phẫu thuật không thành công khi ông chấp nhận quả thận của con trai mình, nhưng may mắn thay đó là lúc Woắn được trưởng thành và hiểu hơn mọi chuyện,

Liệu rằng, Woắn và đứa con gái của anh có tiếp nối một “bố già” nữa không?

Bởi lẽ phim đã công chiếu từ lâu, những phân đoạn cảm xúc nhất tôi cũng đã xem qua tiktok hay facebook, nên chẳng còn nhiều xúc động tới mức rơi nước mắt khi xem Bố già của Trấn Thành, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bộ phim không đem lại cảm xúc gì cho tôi, như đã viết ở đầu: “Bộ phim đã lưu lại nhiều cảm xúc trong tôi, khiến tôi phải tự nhìn nhận về chính bản thân mình, về những gì mà mình chưa thể làm được cho bố của tôi”

Thực sự mà nói, sau bộ phim này tôi nhớ bố tôi rất nhiều!

Bố tôi không giống ông Sang, không giống bố của Woắn, cũng chẳng giống ông nội của Bù Tọt,Bố tôi nhiều chuyện hơn, dễ thương hơn và nhiều tật xấu hơn,Bố tôi đi làm ăn xa, lâu lâu mới về nhà, và cứ hễ mỗi đợt bố về là chúng tôi phải dậy sớm hơn thường ngày, bố mắng: “con gấy chi mà ngủ đến trưa mỉ dậy, dậy.. dậy đi…”Bố tôi ngô nghê hơn độ tuổi, tôi đã nhiều lần tự hỏi: là do con người bố vốn thật thà hay bố chưa nghĩ sâu xa đến thế?

Tôi từng nghe mẹ kể lại câu chuyện về bố lúc tôi đang còn là một bào thai, lúc mẹ mang thai tôi, biết tin đó là một bé gái, bố tôi đã đi khoe khắp xóm, ngồi đâu bố cũng nói, đi đâu bố cũng kể, bố mừng đến thế đó! Tại bởi trước tôi đã có hai anh trai, nhà có thêm một đứa con gái, có nếp, có tẻ phải chi rất tuyệt.

Lúc đó tôi mới nghĩ, tôi là niềm tự hào, sự hãnh diện của bố, sự xuất hiện của tôi có ý nghĩa từ khi chỉ mới là một bào thai vậy tại sao có đôi lúc tôi lại thẳng thừng chối bỏ bản thân?

Chính điều đó làm tôi có thêm nhiều quyết tâm hơn bởi vì tôi từng là điều hãnh diện của bố mẹ, và chắc chắn sau này vẫn sẽ như thế!

Bố tôi ôm luôn combo hút thuốc và cả uống rượu, để mà nói thì tửu lượng của bố khá cao, trong lúc men ngấm bố nói rất nhiều, nói rất to, rất đau đầu! Nhưng, những lúc dễ thương nhất, cưng nhất cũng là lúc bố say. Phải chăng đó là con người thật của bố, bố muốn được thả mình trong những ngô nghê…

Nghe Woắn hỏi: Bạn có tấm hình nào chụp chung với bố mình không?Trong ngơ ngác, tôi giống Woắn - chưa có tấm hình nào mà tôi và bố cùng chung trong một bức ảnh!Chợt nghĩ, cuộc sống mình tất bật đến thế ư?Ngay cả một tấm ảnh chụp chung hai cha con cũng không có?Mình có hơi vô tâm không?Thử hỏi, chúng ta còn bao nhiêu thời gian để bên cạnh bố mẹ?

Lời kết: dù rằng phim “Bố Già” của Trấn Thành là một phim cũ - ít nhất là nó cũ ngay khi tôi viết bài này - nhưng nếu bạn chưa xem, hãy thử xem một lần,Có thể nó không đáp ứng được hết kỳ vọng của bạn, có thể bạn cũng không còn nhiều xúc động bất ngờ khi nó đã bị spoiled quá nhiều, nhưng tôi tin rằng nó sẽ cho bạn cái nhìn mới sâu sắc hơn, nhiều cảm thông hơn để từ đó hiểu bố của mình hơn, yêu ổng nhiều hơn.Để quãng thời gian còn lại của bạn khi bên cạnh bố mẹ trở nên đáng nhớ…

Link nội dung: https://cdsphagiang.edu.vn/review-phim-bo-gia-a49963.html