Nguồn: Bộ Giáo dục Trung Quốc | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Trung Quốc là một quốc gia nhiều dân tộc, nhiều ngôn ngữ [tức tiếng nói], nhiều loại văn tự [tức chữ viết], tổng cộng có 56 dân tộc, hơn 80 ngôn ngữ và khoảng 30 loại chữ viết. Tiếng Hán [Hán ngữ] là ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất ở Trung Quốc, cũng được sử dụng nhiều nhất trên thế giới, là một trong 6 ngôn ngữ làm việc chính thức của Liên Hợp Quốc. Hán ngữ là ngôn ngữ chung của dân tộc Hán ở Trung Quốc, ngoài dân tộc Hán chiếm 91,59% tổng số người sử dụng Hán ngữ ra, một số dân tộc thiểu số cũng sử dụng hoặc kết hợp sử dụng Hán ngữ.
Hán ngữ hiện đại chia làm ngôn ngữ chuẩn (tiếng Phổ thông) và phương ngữ [tức tiếng địa phương]. Tiếng Phổ thông lấy ngữ âm Bắc Kinh làm âm tiêu chuẩn, lấy tiếng miền Bắc làm phương ngữ cơ sở, lấy các tác phẩm mẫu mực văn Bạch thoại hiện đại làm quy phạm ngữ pháp.
“Luật Ngôn ngữ Văn tự thông dụng nhà nước của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” ban hành ngày 31/10/2000 xác định tiếng Phổ thông là ngôn ngữ thông dụng của quốc gia. Phương ngữ Hán ngữ thường được chia thành 7 phương ngữ chính: phương ngữ miền Bắc, phương ngữ Ngô [Wu], phương ngữ Hồ Nam [Xiang, Tương], phương ngữ Cán [Gan, Giang Tây], phương ngữ Khách Gia [Kejia, Hakka], phương ngữ Việt [Yue, Quảng Đông] và phương ngữ Mẫn [Min, Phúc Kiến]. Trong các khu vực phương ngữ lại phân bố một số Thứ phương ngữ và nhiều Thổ ngữ. Các phương ngữ miền Bắc được sử dụng nhiều nhất lại chia thành 4 Thứ phương ngữ : Quan thoại miền Bắc, Quan thoại Tây Bắc, Quan thoại Tây Nam và Quan thoại Hạ Giang.
55 dân tộc thiểu số chiếm khoảng 8,41% dân số toàn Trung Quốc. Trừ người Hồi và người Mãn đã chuyển sang dùng Hán ngữ, 53 dân tộc còn lại đều có ngôn ngữ riêng, nhiều người thuộc một số dân tộc đã chuyển dùng hoặc kiêm dùng Hán ngữ hoặc tiếng dân tộc khác, các nhánh bên trong một số dân tộc cũng sử dụng các ngôn ngữ khác nhau. Tiếng Phổ thông không chỉ là ngôn ngữ tiêu chuẩn của ngôn ngữ chung của dân tộc Hán, mà còn là ngôn ngữ chung của dân tộc Trung Hoa.
Xét từ góc độ ngữ hệ [họ ngôn ngữ, language family], các ngôn ngữ được 56 dân tộc Trung Quốc sử dụng thuộc 5 ngữ hệ lớn: Hán-Tạng [Sino-Tibetan], Altaic, Austronesian [Nam Đảo], Austro-Asiatic [Nam Á] và Indo-European [Ấn Âu].[1]
Ngữ hệ Hán-Tạng chia thành ba nhóm ngôn ngữ là Hán ngữ và 3 ngữ tộc: tiếng Tạng-Miến, tiếng Miêu Dao [Miao-Yao], tiếng Tráng Đồng [Zhuang-Dong]. Các ngôn ngữ Tạng-Miến gồm: Tạng [Zang], Gia Nhung [Jiarong], Môn Ba [Menba], Thương La [Cangla], Lạc Ba [Luoba], Khương [Qiang], Phổ Mễ [Pumi], Độc Long [Dulong], Cảnh Pha [Jingpo], Di [Yi], Lật Túc [Lisu], Hà Ni [Hani], Lahu, Bạch [Bai], Nạp Tây [Naxi], Cơ Nặc [Jinuo], Nộ Tô [Nusu], A Nông [Anon], Nhu Nhược [Ruruo], Phổ Mễ [Pumi], Thổ Gia [Tujia], Tải Ngõa [Zaiwa], A Xướng [Achang] và các ngôn ngữ khác. Thuộc ngữ tộc Miêu Dao [Miao Yao] có các ngôn ngữ Miêu [Miao], Bố Nỗ [Bunu], Miễn [Mian], Xá [She]. Thuộc ngữ tộc Tráng Đồng có các ngôn ngữ Tráng [Zhuang, Choang], Bố Y [Buyi], Đãi [傣Dai], Đồng [Dong], Thủy [Shui], Mục Lão [Mulao], Mao Nam [Maonan], La Gia [Laga], Lê [Li], Ngật Lão [Gelao].
Ngữ hệ Altaic chia thành ba ngữ tộc [nhánh ngôn ngữ]: Mông Cổ, Đột Quyết [Tujue], Mãn-Thông Cổ Tư [Man-Tungusi]. Thuộc ngữ tộc Mông Cổ có Mông Cổ, Đạt Oát Nhĩ [Dawoer], Đông Hương [Dongxiang], Dụ Cố miền Đông [Dongbu Yugu], Thổ [Tu], Bảo An [Baoan]. Thuộc ngữ tộc Đột Quyết có: Duy Ngô Nhĩ [Weiwuer, Uyghur], Kazakh, Kirgiz [Keerkezi], Uzbek, Tatar, Sala, Western Yugur, Tuwa. Thuộc ngữ tộc Mãn-Thông Cổ Tư [Man-Tungusi] có Mãn, Xibo, Hezhe, Ewenke, Elunchun.
Thuộc về ngữ hệ Nam Đảo [Austronesian] có ngôn ngữ của tộc Cao Sơn [Gaoshan], còn có tiếng Hồi Huy [Huihui] của tộc Hồi.
Ngữ hệ Nam Á gồm có các ngôn ngữ thuộc ngữ tộc Môn-Khmer: Ngõa [Wa], Đức Áng [De’ang], Bố Lang [Bulang], Khắc Mộc [Kemu].[2]
Ngữ hệ Ấn-Âu có: tiếng Nga thuộc ngữ tộc Slav và tiếng Tajik thuộc ngữ tộc Iran. Ngoài ra vẫn chưa xác định tiếng Triều Tiên và tiếng Kinh 京语 thuộc ngữ tộc nào.[3]
Chữ Hán là bộ chữ ghi lại Hán ngữ, có lịch sử khoảng 6.000 năm. Chữ Hán hiện sử dụng được dần dần phát triển từ chữ Hán cổ. Chữ Hán là chữ viết dân tộc Hán cùng sử dụng, một số dân tộc khác cũng đã hoàn toàn sử dụng chữ Hán, đồng thời chữ Hán cũng được các dân tộc thiểu số trên toàn Trung Quốc sử dụng phổ biến. Từ những năm 1950, nhà nước đã tổ chức chỉnh lý và đơn giản hóa chữ Hán hiện hành, đã xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn: “Bảng chỉnh lý các chữ Dị thể đợt thứ nhất”, “Phương án đơn giản hóa chữ Hán”, “Tổng biểu chữ giản hóa”, “Bảng chữ thường dùng của Hán ngữ hiện đại”, “Luật ngôn ngữ văn tự thông dụng nhà nước của nước CHND Trung Hoa” ban hành ngày 31/10/2000 đã xác định chữ Hán quy phạm là chữ viết [văn tự] thông dụng nhà nước. Chữ Hán quy phạm là chữ đã chỉnh lý giản hóa và chữ truyền thừa chưa qua chỉnh lý giản hóa.
Trước khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, 21 dân tộc thiểu số đã có chữ viết của mình. Sau khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, chính phủ đã xây dựng phương án chữ viết cho 10 dân tộc: Tráng [Zhuang, Choang], Buyi, Yi, Miao, Hani, Lisu, Naxi, Dong, Wa, Li. Tất cả đều dùng chữ biểu âm Latin hóa.[4]
Xét về hệ thống ký tự và hình thức chữ, các chữ viết của Trung Quốc có chữ ý âm, chữ âm tiết, chữ cái, và chữ cái cổ Ấn Độ, chữ cái Hồi Hột [Huihu], chữ cái A Rập, chữ cái vuông, chữ cái Latin, chữ cái Slav.
Ngày 11/2/1958, kỳ họp thứ 5 Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc [tức Quốc hội] lần thứ nhất đã thông qua nghị quyết công bố “Phương án phiên âm Hán ngữ“. “Luật ngôn ngữ văn tự nhà nước nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” (“汉语拼音方案”, “中华人民共和国国家通用语言文字法”) quy định ngôn ngữ văn tự (tức tiếng nói, chữ viết) thông dụng nhà nước sử dụng Phiên âm Hán ngữ (汉语拼音) như một công cụ để đánh vần và ghi chú âm. “Phương án phiên âm Hán ngữ” cũng là tiêu chuẩn quốc tế để viết địa danh, tên người và văn bản [văn hiến] Trung văn.
Theo nguyên tắc “Tất cả các dân tộc ở CHND Trung Hoa đều bình đẳng”, Trung Quốc luôn kiên trì chính sách bình đẳng ngôn ngữ, và tích cực duy trì sự đa dạng và hài hòa thống nhất của các ngôn ngữ. “Hiến pháp Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, “Luật Tự trị khu vực dân tộc nước CHND Trung Hoa”, “Luật ngôn ngữ văn tự của CHND Trung Hoa”, Luật Giáo dục nước CHND Trung Hoa”, “Luật Giáo dục nghĩa vụ nước CHND Trung Hoa” và các quy định luật pháp khác cùng xác định ngôn ngữ văn tự của tất cả các dân tộc cùng bình đẳng tồn tại, cấm mọi hình thức phân biệt ngôn ngữ; tất cả các dân tộc đều có quyền tự do sử dụng và phát triển ngôn ngữ văn tự của mình; nhà nước khuyến khích các dân tộc học tập ngôn ngữ văn tự của nhau; nhà nước kiên trì thúc đẩy phổ cập tiếng Phổ thông và thực hiện chính sách ngôn ngữ cơ bản như tiêu chuẩn hóa [quy phạm hóa] chữ Hán. Việc nhà nước thực hiện các chính sách ngôn ngữ quan trọng này đã đảm bảo sự phát triển hài hòa của ngôn ngữ các dân tộc, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn thống nhất quốc gia, đoàn kết dân tộc, thúc đẩy sự phát triển xã hội, kinh tế và văn hóa.
Hiện nay Trung Quốc đang tập trung vào việc thực hiện “Luật ngôn ngữ văn tự nước CHND Trung Hoa”, ra sức phổ cập tiếng Phổ Thông, đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn hóa chữ Hán, mở rộng hơn nữa phạm vi ứng dụng của “Phương án Phiên âm Hán ngữ”, nâng cao năng lực ứng dụng ngôn ngữ văn tự của toàn xã hội. Công tác ngôn ngữ văn tự nhà nước lấy nhà trường làm cơ sở, lấy cơ quan đảng và chính quyền làm đầu tàu, lấy truyền thông báo chí làm gương mẫu, lấy ngành dịch vụ công làm cửa sổ, chú trọng phát huy tác dụng bức xạ dẫn đầu của đô thị, qua việc quản lý mục tiêu để đánh giá lượng hóa, tổ chức sát hạch trình độ tiếng Phổ thông, mở rộng Tuần lễ Tuyên truyền tiếng Phổ thông, từng bước xây dựng hệ thống và cơ chế dựa vào pháp luật để quản lý giám sát việc ứng dụng ngôn ngữ văn tự và công tác ngôn ngữ văn tự, nâng cao rõ rệt trình độ phổ cập và trình độ ứng dụng tiếng Phổ thông và chữ Hán tiêu chuẩn.
Số liệu trong báo cáo “Điều tra tình hình sử dụng ngôn ngữ văn tự Trung Quốc” công bố ngày 26/12/2004 (điều tra 31 tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc trung ương trong cả nước, trừ Hồng Kông, Macao, Đài Loan và Quân đoàn Sản xuất Xây dựng Tân Cương) cho thấy hiện nay tỷ lệ số dân Trung Quốc có thể giao tiếp bằng tiếng Phổ thông là 53,06%, tỷ lệ số dân có thể giao tiếp bằng phương ngữ Hán ngữ là 86,38% và tỷ lệ số dân có thể giao tiếp bằng tiếng dân tộc thiểu số là 5,46%. Tỷ lệ số dân sử dụng chữ viết chuẩn là 95,25%. Số dân nắm được Phiên âm Hán ngữ đạt tỷ lệ 68,32%.[5]
Nguyễn Hải Hoành dịch từ nguồn tiếng Trung “中国语言概况”
————————
[1] Thiếu ngữ hệ Tai-Kadai, có thể tác giả coi nó là nhánh (ngữ tộc) Tráng-Đồng nằm trong ngữ hệ Hán-Tạng?
[2] Theo sách “Lịch sử ngôn ngữ người Việt” của GS Trần Trí Dõi thì Họ Ngôn ngữ (ngữ hệ) Nam Á gồm có các ngôn ngữ thuộc 4 nhánh (ngữ tộc) Môn-Khmer, Aslian, Nicôbar, Munda.
[3] 京语 (Kinh ngữ, tiếng Kinh) tức tiếng Việt, tiếng của dân tộc thiểu số gọi là “京族 Kinh tộc” (sau 1958 gọi là Việt tộc) có khoảng 33 nghìn người (số liệu năm 2021) sống ở 3 hòn đảo Vạn Vĩ, Sơn Tâm, Vu Đầu thuộc vùng biển tỉnh Quảng Tây, là ngư dân Việt Nam ở Đồ Sơn (Hải Phòng) di cư đến từ năm 1511.
[4] Điều này chứng tỏ Nhà nước TQ vẫn đánh giá cao chữ viết biểu âm Latin hoá.
[5] Lưu ý: Gần như toàn dân đều biết chữ, nhưng chỉ một nửa số dân biết nói tiếng Phổ thông. Điều đó cho thấy người TQ xưa nay vẫn coi trọng chữ viết hơn tiếng nói.
Đằng sau cuộc đàn áp tiếng Quảng Đông và các phương ngữ ở Trung Quốc
Link nội dung: https://cdsphagiang.edu.vn/nguoi-trung-quoc-noi-tieng-gi-a52054.html