Cụ thể, F0 phải có đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà: F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ (không suy hô hấp; nồng độ oxy trong máu bằng hoặc trên 96% khi thở khí trời; nhịp thở từ 20 lần/phút trở xuống; nơi cách ly điều trị tại nhà phải không có người già, người mắc bệnh nền, phụ nữ có thai...). Người bệnh trong độ tuổi từ 1 đến 50, không có bệnh nền, không mang thai, không béo phì.
Tuy nhiên, người có bệnh nền ổn định, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 hoặc 1 mũi đủ 14 ngày, vẫn có thể được xem xét cách ly, điều trị tại nhà. F0 tại nhà có khả năng tự chăm sóc bản thân; tự dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, có khả năng liên lạc với nhân viên y tế khi cần. F0 là trẻ em hoặc người không tự chăm sóc cá nhân cần có người trợ giúp.
Nhân viên y tế phường Linh Tây (TP Thủ Đức) phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà. Ảnh: VNexpress.netTrạm y tế xã, phường là đơn vị chịu trách nhiệm tiếp nhận thông tin về F0 trên địa bàn mình (qua phần mềm quản lý chuỗi lây nhiễm; qua UBND và các tổ chức quần chúng địa phương; do người bệnh tự khai báo...).
Trong vòng 24 giờ sau khi tiếp nhận thông tin, y tế xã, phường phải tiếp cận người bệnh, khảo sát nơi ở, sau đó quyết định F0 có điều trị tại nhà hay không và quyết định cấp gói thuốc A (thuốc tăng cường sức khỏe), gói B (thuốc kháng đông, kháng viêm) hay gói C (thuốc kháng virus).
F0 khai báo y tế ít nhất 1 lần/ngày hoặc khi có triệu chứng bệnh qua ứng dụng “Y tế HCM” hoặc qua phiếu tự theo dõi sức khỏe. F0 hạn chế tiếp xúc trực tiếp người khác và vật nuôi.
F0 điều trị tại nhà cần báo ngay cho nhân viên y tế khi gặp phải một trong các hiện tượng sau: Khó thở hoặc hụt hơi; trẻ em có dấu hiệu thở bất thường như thở rên, thở hõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè... Khi nhịp thở tăng quá 21 lần/phút với người lớn và quá 40 lần/phút với trẻ em từ 1 đến dưới 5 tuổi; quá 30 lần/phút với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, cũng cần báo ngay bác sĩ.
Nếu F0 có nồng độ oxy trong máu dưới 96%; mạch nhanh trên 120 nhịp/phút, hoặc dưới 50 nhịp/phút; huyết áp tối đa dưới 90mmHg, huyết áp tối thiểu dưới 60mmHg; thấy đau tắc ngực thường xuyên; lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, trẻ em khóc quấy hoặc li bì khó đánh thức, co giật hoặc sốt trên 38oC... phải báo ngay bác sĩ để được trợ giúp kịp thời.
F0 điều trị tại nhà được lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 14. Nếu âm tính, y tế địa phương sẽ báo cáo UBND xã, phường để ra quyết định hết thời gian cách ly điều trị. KHÁNH PHƯƠNG
Link nội dung: https://cdsphagiang.edu.vn/cham-soc-fo-tai-nha-nhu-the-nao-a59889.html