Trong nền văn hóa truyền thống lâu đời, đặc sắc của đồng bào các dân tộc miền núi thì trang phục là thành tố mang tính nhận diện cao, thể hiện nét đặc trưng riêng của từng dân tộc. Trang phục chứa đựng cả lịch sử, văn hóa mỗi dân tộc, là di sản luôn vẹn nguyên giá trị ngàn đời cần được bảo tồn, gìn giữ.

Trang phục truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Mông.

Trang phục - cốt cách, linh hồn dân tộc

12 dân tộc anh em cùng sinh sống tại Sơn La từ lâu đời tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng và nhiều màu sắc. Trong đó, trang phục là yếu tố giúp phân biệt dân tộc này với dân tộc khác.

Đi cùng với với sự hình thành và phát triển của mỗi dân tộc nên trang phục không chỉ mang tính nhận diện, mang đậm bản sắc của mỗi dân tộc mà còn chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và cả những thông thiệp từ quá khứ để lại. Từ xa xưa, trang phục truyền thống vẫn luôn là niềm tự hào của những người phụ nữ vùng cao. Mỗi bộ trang phục, mỗi đường nét hoa văn đều được tạo nên bởi đôi bàn tay khéo léo, khối óc sáng tạo, kỹ năng thuần thục mà các bà, các chị đã được rèn giũa từ khi còn là những cô bé.

Bộ trang phục truyền thống dân tộc Mông được coi như “đóa kỳ hoa” trên vải, nơi hội tụ tài hoa nghệ thuật với hệ thống hoa văn đồ sộ được tạo nên bởi nhiều công đoạn tỉ mỉ, phức tạp. Đặc biệt là bộ váy của các thiếu nữ mặc đi dự hội không khác nào bông hoa rực rỡ của núi rừng, một tác phẩm nghệ thuật ấn tượng, nổi bật ở bất cứ nơi nào xuất hiện.

Trang phục sặc sỡ của phụ nữ dân tộc Mông.

Bà Tráng Thị Dua là người có tiếng về làm trang phục truyền thống dân tộc Mông tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, thông tin: Trước đây, phụ nữ Mông bắt đầu phải học se lanh, dệt vải, thêu thùa, làm trang phục từ lúc 7-8 tuổi. Bộ trang phục dân tộc Mông rất sặc sỡ, nhiều loại hoa văn, chi tiết cầu kỳ, mất rất nhiều thời gian và phải kỳ công mới có thể hoàn thành. Người ta nhìn vào bộ trang phục sau khi hoàn thiện để đánh giá độ khéo tay, sự chịu thương, chịu khó của người phụ nữ.

Nếu trang phục dân tộc Mông ấn tượng với màu sắc sặc sỡ thì trang phục dân tộc Dao tại nền nã với màu chàm đen truyền thống. Cùng với đó là những hoa văn được thêu tay bằng chỉ màu hay được tạo nên bởi sáp ong với những họa tiết, hình khối giàu hình tượng mà mang tính biểu tượng về văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào. Còn đồng bào Thái gắn liền với hình ảnh áo cóm, khăn piêu, tà váy dài đen tuyền duyên dáng. Linh hồn của bộ trang phục là chiếc khăn piêu với những hoa văn ẩn chứa nhiều ý nghĩa của những chiếc “cút piêu” tượng trưng cho vật phẩm cao quý của người bề trên, “tà leo” là vật trừ đuổi tà ma, bảo vệ thần hồn cho người đội khăn và “sai peng” là dây tình của đôi lứa. Khăn piêu vốn là tín vật tình yêu lứa đôi, là nơi khơi nguồn cuộc sống và hạnh phúc, cũng là một phần quan trọng đại diện cho hồn cốt văn hóa của dân tộc Thái…

Thêu khăn piêu dân tộc Thái.

Đằng sau mỗi bộ trang phục truyền thống đều là những câu chuyện mang ý nghĩa về lịch sử - văn hóa của một dân tộc. Từ kiểu dáng trang phục, tạo hình hoa văn, kỹ thuật nhuộm chàm, nghệ thuật thêu thùa, cắt ghép, phối hợp màu sắc… đều có những nguyên tắc nhất định. Mỗi người phụ nữ với độ khéo léo cùng đồ án hoa văn riêng cũng đều phải tuân thủ theo nguyên tắc đó, là cách để tôn trọng truyền thống và giá trị cốt lõi để trang phục luôn là yếu tố giúp làm nên bản sắc riêng của mỗi dân tộc. Với dân tộc nào cũng vậy, nghệ thuật tạo trang phục truyền thống được truyền tay, truyền vai từ thế hệ này đến thế hệ khác, là tiêu chí đánh giá phẩm hạnh của người phụ nữ và để người phụ nữ giúp lưu giữ giá trị văn hóa ngàn đời của dân tộc mình trong từng đường kim, mũi chỉ.

Bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La đã nỗ lực trong công tác kiểm kê di sản, trong đó có nghiên cứu bảo tồn về trang phục các dân tộc để lập hồ sơ di sản. Với giá trị độc đáo, đặc sắc, năm 2020, nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của dân tộc Mông hoa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Mới đây, đầu năm 2023, nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục dân tộc Dao tiền cũng tiếp tục được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là sự ghi nhận, vinh danh đối với một nét văn hóa đã được đồng bào dân tộc sáng tạo, gìn giữ từ ngàn xưa cho đến ngày nay, mang đến niềm vinh dự, tự hào đối với thế hệ hôm nay và tạo thêm động lực, khuyến khích đồng bào tiếp tục bảo tồn, phát huy di sản vô giá ấy.

Hoạt động trải nghiệm về trang phục dân tộc tại Bảo tàng tỉnh.

Bà Bàn Thị Thu, một người giàu kinh nghiệm làm trang phục dân tộc Dao tại xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, chia sẻ: Với đồng bào Dao, trang phục truyền thống có nhiều ý nghĩa và giá trị về tín ngưỡng, tâm linh và rất được coi trọng. Chính bởi vậy, lớp những người lớn tuổi như chúng tôi luôn cố gắng truyền dạy lại cho con cháu những kỹ thuật đã được trao truyền để hoàn thiện bộ trang phục giữ đúng nguyên bản của dân tộc.

Nhiều giải pháp tích cực về bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống được Sở VHTT&DL triển khai, như: Năm 2023, tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy cách trang trí hoa văn trên trang phục dân tộc Dao tiền cho 45 học viên đến từ các xã: Nà Mường, Hua Păng, Phiêng Luông, Quy Hướng và Tân Lập của huyện Mộc Châu. Hay các hoạt động trải nghiệm không gian văn hóa dân tộc tại Bảo tàng tỉnh tổ chức hằng năm cũng luôn lồng ghép hoạt động giới thiệu kỹ thuật tạo trang phục truyền thống nhằm giới thiệu sâu rộng về nét văn hóa đặc sắc của đồng bào đến với nhiều người.

Trang phục dân tộc kết hợp với các loại hình nghệ thuật trình diễn dân tộc cũng thường xuyên xuất hiện trong các hoạt động, sự kiện văn hóa - du lịch của tỉnh, ngành, địa phương, là yếu tố làm nên sắc màu độc đáo của sự kiện, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài tỉnh.

Nghệ thuật tạo trang phục dân tộc được phục dựng tại các sự kiện văn hóa - du lịch địa phương.

Ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Ngành luôn chú trọng tuyên truyền về giá trị di sản mà đồng bào dân tộc đang nắm giữ, để khơi dậy niềm tự hào về văn hóa dân tộc và cùng chung tay gìn giữ, phát huy giá trị các di sản văn hóa hiện có. Chủ động, linh hoạt, sáng tạo, khai thác thành tựu khoa học công nghệ, sự phát triển của kinh tế số để bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giàu bản sắc của các dân tộc.

Du khách chụp ảnh lưu niệm với trang phục dân tộc tại Khu du lịch rừng thông bản Áng, huyện Mộc Châu.

Với nét đẹp độc đáo riêng có, trang phục truyền thống các dân tộc những năm gần đây còn trở thành sản phẩm thu hút khách du lịch. Các điểm đến, các khu du lịch nở rộ loại hình kinh doanh cho thuê trang phục dân tộc để chụp ảnh lưu giữ khoảnh khắc đẹp khi đến Sơn La. Những món đồ lưu niệm bắt mắt cũng được sáng tạo lấy ý tưởng từ hoa văn thổ cẩm dân tộc. Hay những bộ trang phục dân tộc được cách điệu kiểu dáng, thiết kế cũng là hình ảnh thường thấy trong những bộ ảnh nghệ thuật và được giới nghệ sĩ yêu thích lựa chọn cho những tác phẩm biểu diễn trên sân khấu mang phong cách miền núi.

Tất cả đã và đang khẳng định giá trị và sức hấp dẫn của sắc màu thổ cẩm dân tộc, thổi hồn đương đại vào trang phục truyền thống, tạo cơ hội và động lực để di sản vô giá này được bảo tồn, gìn giữ cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Link nội dung: https://cdsphagiang.edu.vn/trang-phuc-truyen-thong-cua-cac-dan-toc-viet-nam-a60777.html