Thông minh và trí tuệ

12.png
Tranh: ITN

“Thông minh vốn sẵn tính trời” (Nguyễn Du). 2/Nhanh trí và khôn khéo, tài tình trong cách ứng đáp, đối phó. Thí dụ: Câu trả lời thông minh. Một việc làm thông minh. 3/Sáng dạ, sáng ý”. “Trí tuệ là khả năng nhận thức lý tính đạt đến một trình độ nhất định. Thí dụ: Trí tuệ minh mẫn. Trí tuệ uyên bác”. Xin chú ý đến 2 cụm từ quan trọng trong định nghĩa này là: “Nhận thức lý tính” là không còn nhận thức cảm tính nữa và “Đạt đến một trình độ nhất định” là kiến thức phải có hệ thống và khoa học.

Nếu tra “Từ điển Triết học” và “Từ điển Tâm lý học” thì thông minh và trí tuệ được diễn giải rất phong phú, rất xúc tích, rất khó nói gọn, nói tóm tắt, nói dễ hiểu được, vậy nên xem xét hai thí dụ sau đây:

Trường hợp thứ nhất: Ông Xuân học giỏi từ lúc còn là học sinh phổ thông. Ai cũng khen ông nhanh nhẹn, sáng dạ. Sự thông minh của ông Xuân lúc đã làm cán bộ kỹ thuật thì mọi người đều thấy rõ. Rồi ông được tiến cử làm lãnh đạo Bộ chủ quản. Khi làm lãnh đạo Bộ ông Xuân mắc tội tham nhũng và bị đi tù. Người quen, người thân, bạn bè ai cũng tiếc cho ông, họ bảo nhau: “Ông Xuân thông minh thật đấy nhưng quả thực là không có trí tuệ”.

Vậy “trí tuệ” ở trường hợp này được coi như là một “đạo đức”, một kế hoạch làm người lương thiện. Còn “thông minh” ở đây chỉ là một khả năng, một kỹ năng nhận thức tốt, nhạy bén, tiếp thu nhanh của một con người mà thôi.

Trường hợp thứ hai: Anh Đông là một thanh niên nông thôn chỉ tốt nghiệp phổ thông trung học, anh rất yêu đồng ruộng, quyết tâm ở lại quê hương để phát triển nông nghiệp, làm giàu cho nơi mình đã chôn rau cắt rốn. Anh thành lập hợp tác xã trồng cây cảnh và các loại hoa quý hiếm. Từ chỗ chỉ có mấy chục người đến nay hợp tác xã đã lớn mạnh với hàng trăm nhân công có cả kỹ sư, kỹ thuật viên về giống cây quý hiếm, phân bón, thủy lợi...

Ai cũng khen anh Đông là người lãnh đạo hợp tác xã vừa thông minh vừa có trí tuệ. Như thế, trí tuệ trong trường hợp này là người biết nhìn xa, trông rộng, lại có đạo đức biết yêu thương, đùm bọc nhiều người khác để cùng sản xuất, cùng xây dựng cuộc đời ấm no, hạnh phúc.

Đến đây có thể thấy rõ hơn là: Thông minh chỉ là một kỹ năng sống, có người sẵn có, có người phải học tập, rèn luyện mới có được. Còn trí tuệ là một kiến thức tổng hợp, biết nhìn xa, trông rộng và phải có lương tâm nghề nghiệp, phải có tình yêu con người mới cố gắng hoàn chỉnh được, mới phần nào hoàn thiện được trong suốt cả một cuộc đời.

Cần nhớ mãi danh ngôn bản lề sau đây của triết gia Alexandre Haminton (1757 - 1804), đó là: “Trên đời, không gì vĩ đại bằng con người. Trong con người, không gì vĩ đại bằng trí tuệ”. Có thể tóm tắt: Thông minh là một khả năng, một kỹ năng, một cơ chế nhận biết sáng dạ, nhanh nhạy, nhanh hiểu, nhanh tiếp thu.

Còn trí tuệ là tổng hợp tư duy, đạo đức cao nhất, nhiều nhất mà con người phải cố gắng phấn đấu, rèn luyện suốt đời mới mong có được. Trong thực tế cuộc sống, một người rất thông minh đạt đến địa vị cao trong xã hội nhưng rồi kết thúc trong tù tội thì thật uổng phí cho bản thân người đó và là một mất mát cho cộng đồng, xã hội. Còn người có trí tuệ, tùy hoàn cảnh của mình mà lựa chọn thông minh những biện pháp, những phương án hoạt động thích hợp, đúng lúc, đúng chỗ thì thật là may mắn cho quê hương, cho cộng đồng.

Nhằm gom góp, tìm cách học tập mọi nơi, mọi lúc và học suốt đời để có trí tuệ, cũng cần lưu ý đến các góc nhìn khác nhau, các suy nghĩ mang tính phản biện rất thực tế, rất khoa học sẽ được đề cập sau đây.

Việc nhận thức đúng đắn nhất về sự học tập là phải tích cóp dần dần, tích lũy mỗi ngày một ít để có một trí tuệ dần tốt hơn, đầy đủ hơn, phong phú hơn. Đây là một việc cực kỳ khó khăn, gian khổ và không bao giờ có thể đạt tới được trí tuệ mà mình ước muốn. Vì sao như vậy?

Tinh hoa cổ học phương Đông đã dạy: “Ngô sinh dã hữu nhai, nhi tri dã vô nhai” (tạm dịch: Đời ta thì có bờ bến, nhưng cái hiểu biết thì không bờ không bến). Cái hiểu biết, cái trí tuệ đầy đủ giúp ích được cho bản thân thì có thể đạt được tùy theo năng lực của từng người, còn những tài năng, những tinh hoa của trí tuệ được gọi là thông tuệ, là uyên bác thì bất kỳ thời đại nào cũng rất hạn chế, rất ít người có thể đạt được danh hiệu cao quý đó. Trong quá trình tích lũy các kinh nghiệm, các kiến thức từ sách vở đến thực tế, nên chú ý mấy vấn đề trọng tâm sau đây:

Đông phương cổ học đã dạy: “Người bình thường yêu cầu thấp nên dễ đầy, người cao vọng mong muốn nhiều nên rất khó đầy”. “Đầy” ở đây là đầy kiến thức, đầy kinh nghiệm, đầy tiền bạc. Hễ ai mong muốn ít thì may ra có thể tìm được, kiếm được, đạt được. Còn ai tham lam, mong muốn cái gì cũng phải có được hơn người khác thì suốt đời chạy theo cái bong bóng, cái ảo vọng, phần lớn gặp họa hơn là một kết quả bình thường.

Như vậy, ai tự lượng sức mình mà đặt ra được một kế hoạch, một chương trình hành động vừa với khả năng của mình, vừa với hoàn cảnh của mình, vừa với sức khỏe của mình thì may ra có thể thành công được. Từ đó có sự vui lòng, có sự thỏa mãn, có sự yên tâm. Hạnh phúc sẽ đến với những người đó.

Bên trời Tây, nhà triết học John Denham (1615 - 1669) cũng đã nhắc nhở con người qua một đoạn thơ danh ngôn để đời sau đây: “Cây trí tuệ đã tàn vì biện luận/ Lá khô cằn thay thế việc đơm bông”. Rất thực tế, rất thú vị cho những cá nhân, những nhóm người nào chỉ biết tranh cãi, biện luận vớ vẩn mà không lao vào thực tế cuộc sống rất phong phú và sinh động thì chắc chắn sẽ thất bại trong mọi công việc. Mọi kết quả của cãi vã sẽ dẫn đến tàn úa, khô cằn.

Triết gia Emanuel Smith (1873 - 1924) đã cảnh báo: “Trí tuệ bén nhọn cũng như con dao sắc, thường cắt phải ngón tay của người có nó”. Rõ ràng Smith đã nhìn thấy hai mặt của một vấn đề. Mặt phải và mặt trái của một đồng xu, một sức mạnh, một trí tuệ. Vì thế có tác giả đã khen người biết tiến được thì cũng phải biết lùi được. Lại có tác giả viết: “Biết thời thế, mới là tuấn kiệt”. Nếu lúc nào cũng bảo thủ, xơ cứng thì trí tuệ ấy, thông minh ấy sẽ trở nên lỗi thời, có khi chẳng có lợi gì mà lại có hại.

Thì ra, việc tìm hiểu, học hỏi để vun đắp cho cái vốn hiểu biết, vốn trí tuệ của con người cũng phải dựa vào ba hoàn cảnh: “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Tức là: Gặp đúng lúc có thời cơ tốt, hoàn cảnh, tình huống thuận lợi và lòng người đồng thuận, ủng hộ. Được như thế thì việc gì chẳng thành, tư duy gì chẳng phong phú, trí tuệ nào chẳng rộng mở, thành công.

Như thế, “thông minh” là một khả năng nhanh, nhạy, dương tính, năng động mà mỗi con người cần phải trau dồi, luyện tập để có được. Có câu: “Lấy cần cù bù thông minh” cũng cần tham khảo và áp dụng vì điều này cũng đem lại nhiều kết quả tốt. “Trí tuệ” là một quá trình tổng hợp, bao gồm có tài, có đức, hướng dẫn con người tiến lên dưới ánh sáng của pháp luật và đạo đức. Herbert Spencer (1826 - 1903) đã nhắc nhở con người hiểu đúng về trí tuệ qua câu danh ngôn: “Trí tuệ là kiến thức được tổ chức và sắp xếp lại”. Rõ ràng có kiến thức đã khó khăn rồi, nay lại phải tổ chức và sắp xếp lại thì thật cần bao nhiêu công sức và thời gian mới hy vọng làm được. Thật không dễ mấy ai đạt được cái nguyện vọng lớn lao là có được trí tuệ.

Lời dạy của bậc thầy triết học René Descartes (1596 - 1650): “Đâu chỉ có trí tuệ tốt là đủ, mà điều chủ yếu là phải biết ứng dụng nó cho thích hợp” cũng sẽ theo ta suốt đời. Đại thi hào người Đức, ông J.W. Goethe (1749 - 1832) cũng đã nói; “Mọi lý thuyết đều xám xịt, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”.

Chính nhờ có những lời dạy bảo rất uyên bác nhưng cũng rất cụ thể, dễ hiểu của Descartes và của Goethe mà ta có thể mạnh dạn sơ kết về thông minh và trí tuệ như sau: Con người ta sinh ra, sống ở trên đời ai ai cũng có thể có sự thông minh và trí tuệ ở một mức độ nhất định để tồn tại và phát triển. Vấn đề đáng nói là: Ai biết chăm chỉ rèn luyện, cần cù, nhẫn nại, lương thiện thì thông minh và trí tuệ sẽ nhất định đến với người đó một cách chắc chắn và bền vững.

Link nội dung: https://cdsphagiang.edu.vn/tri-tue-thong-minh-a61394.html