Tá tràng: Cấu tạo, vị trí nằm ở đâu, dài bao nhiêu và chức năng?
Tá tràng là một phần đặc biệt quan trọng của ruột non, đây là nơi diễn ra các hoạt động bài tiết và tiêu hóa quan trọng. Vậy tá tràng nằm ở đâu, cấu tạo như thế nào, làm thế nào để giữ cho bộ phận này luôn khỏe mạnh?
Tá tràng là gì?
Tá tràng là phần đầu tiên của ruột non, đóng vai trò tiếp nhận thức ăn đã được tiêu hóa một phần từ dạ dày và bắt đầu hấp thu dưỡng chất từ chúng. Dưới đây là các thông tin chi tiết liên quan đến bộ phận này.
1. Vị trí tá tràng nằm ở đâu?
Tá tràng nằm giữa dạ dày và hỗng tràng, có cấu trúc hình chữ “C” (hay còn gọi là hình móng ngựa).
2. Tá tràng dài bao nhiêu?
Tá tràng rất ngắn so với các phần khác của ruột, thông thường chỉ dài khoảng 23 - 28 cm.
3. Tá tràng gồm những bộ phận nào?
Dựa trên cơ sở giải phẫu và chức năng chính, nó được chia làm 4 đoạn gồm:
Phần trên: Đây là đoạn bắt đầu của tá tràng, dài khoảng 5cm, nối trực tiếp với môn vị của dạ dày. Nó cũng được liên kết với mặt dưới của gan bằng dây chằng gan - tá tràng.
Phần xuống: Đây là phần tiếp theo, dài khoảng 10 cm, gắn liền với tụy và là nơi dịch mật và dịch tụy đổ về.
Phần ngang: Phần này dài khoảng 7,5 cm, kéo dài từ phải sang trái, đi qua động mạch chủ bụng và tĩnh mạch chủ dưới.
Phần lên: Đây là phần cuối và là phần nhỏ nhất của tá tràng, chỉ dài khoảng 2,5 cm, chạy hơi chếch sang trái để nối với góc hỗng tràng.
Cấu tạo của tá tràng
Giống các cơ quan khác của hệ tiêu hóa, tá tràng có cấu tạo khá phức tạp, gồm 4 lớp sau:(1)
Niêm mạc: Chứa các vi nhung mao (microvilli) với cấu trúc nhỏ giúp làm tăng diện tích bề mặt, hỗ trợ tá tràng hấp thu được nhiều dưỡng chất hơn. Niêm mạc được sắp xếp thành một loạt các nếp gấp nông cao khoảng 1mm và rộng khoảng 5 mm chạy ngang với chiều dài của ruột.
Lớp dưới niêm mạc: Lớp này bao gồm các mạch máu và mô liên kết. Bên dưới lớp niêm mạc có chứa tuyến ngoại tiết (bruner), giúp tiết ra một loại chất nhầy có khả năng làm giảm axit dịch vị.
Lớp cơ: Chủ yếu là các cơ trơn, chức năng chính là trộn lẫn các enzyme với dịch mật để hỗ trợ chuyển hóa dưỡng trấp (thức ăn đã được tiêu hóa một phần ở dạ dày) và đẩy dưỡng trấp đến hỗng tràng.
Thanh mạc: Bộ phận này bao gồm phúc mạc ở mặt trước và mô liên kết ở mặt sau, có tác dụng bảo vệ tế bào ruột khỏi các tổn thương đồng thời tiết dịch nhầy để giảm ma sát khi tá tràng co bóp.
Chức năng của tá tràng
Đóng vai trò đặc biệt trong hệ tiêu hóa, đảm nhận nhiều chức năng quan trọng như:(2)
Giảm bớt axit trong thức ăn: Dạ dày tiết ra rất nhiều dịch vị trong quá trình phân hủy thức ăn, do đó dưỡng trấp sau khi di chuyển từ dạ dày đến tá tràng có tính axit rất cao. Lúc này sẽ giải phóng hormone secretin giúp kích thích tiết ra enzyme bicarbonate, hỗ trợ giảm bớt lượng axit có trong dưỡng trấp. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hấp thu dưỡng chất và ngăn ngừa tình trạng axit ăn mòn niêm mạc ruột non.
Chuyển hóa dưỡng trấp thành chất dinh dưỡng: Tá tràng có khả năng tiết hormone cholecystokinin giúp kích thích tuyến tụy, túi mật và gan giải phóng các chất hỗ trợ chuyển hóa dưỡng trấp thành dưỡng chất. Dịch mật sẽ được gan và túi mật giải phóng giúp cơ thể hấp thu chất béo. Trong khi đó, tuyến tụy sẽ tiết các chất quan trọng như lipase, amylase, protease để phân hủy chất béo, carbohydrate và protein, giúp cơ thể hấp thu các dưỡng chất một cách tốt nhất.
Lưu thông chất lỏng: Sau khi tiêu hóa một phần thức ăn, tá tràng sẽ đẩy phần thức ăn chưa được hấp thu đến hỗng tràng, phần tiếp theo của ruột non.
Trung bình mỗi ngày có khoảng 5 lít dịch chảy qua tá tràng gồm: 2500ml dịch dạ dày, 1000ml dịch mật, 800-1000ml dịch tụy. Thể tích dòng chảy này rất lớn, cho thấy tính toàn vẹn của tá tràng là rất quan trọng, bởi khi gặp vấn đề bất thường sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chức năng tiêu hóa và khả năng hấp thu dưỡng chất của người bệnh.
Các bệnh thường gặp ở tá tràng
Do tiếp xúc trực tiếp với axit dạ dày nên đây là bộ phận rất dễ bị tổn thương. Dưới đây là một số vấn đề thường gặp ở tá tràng:
1. Viêm tá tràng
Viêm nhiễm thường đến từ các nguyên nhân như nhiễm trùng do vi khuẩn H.pylori, axit dạ dày dư thừa, lạm dụng thuốc giảm đau, liệu pháp xạ trị… Viêm tá tràng có thể gây nên các triệu chứng như đau bụng trên, đầy hơi, buồn nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, chán ăn… trường hợp nặng hơn có thể dẫn đến nôn ra máu hoặc đi cầu ra máu.
2. Loét tá tràng
Đây là tình trạng niêm mạc tá tràng xuất hiện các vết loét bất thường, có kích thước khác nhau. Nguyên nhân gây nên bệnh lý này có thể đến từ việc tăng sản xuất axit dạ dày do nhiễm khuẩn, lạm dụng uống thuốc giảm đau, nghiện rượu, thường xuyên hút thuốc hoặc tiêu thụ thực phẩm cay nóng… Bạn cần lưu ý một số triệu chứng thường gặp sau: Đau bụng âm ỉ, sụt cân không rõ nguyên nhân, đầy hơi, cảm giác khó thở, thường xuyên ợ hơi, ợ chua…
3. Hẹp tá tràng
Cấu tạo tá tràng khá phức tạp, nếu quá trình hình thành và phát triển của thai nhi gặp bất thường có thể khiến bộ phận này bị hẹp và tắc nghẽn không hoàn toàn, thường được phát hiện thông qua phương pháp siêu âm khi trẻ còn trong bụng mẹ. Dấu hiệu nhận biết hẹp tá tràng là trẻ xuất hiện tình trạng đa ối hoặc bóng đôi.
4. Teo tá tràng
Bệnh lý này nguy hiểm hơn rất nhiều so với hẹp tá tràng, thường xảy ra do rối loạn bẩm sinh như hội chứng down, khiến một phần tá tràng của trẻ bị tắc nghẽn hoàn toàn. Khi gặp phải vấn đề bất thường về đường ruột này, trẻ thường bị nôn ói trong vài giờ đầu sau sinh và chất nôn có màu vàng, xanh lá cây hoặc nâu nhạt. Một số dấu hiệu nhận biết khác bao gồm: Sinh non, nhẹ cân hơn bình thường, sưng đau hoặc khó chịu vùng bụng trên…
5. Viêm túi thừa tá tràng
Đây là tình trạng các túi thừa bên trong tá tràng bị viêm gây đau bụng dữ dội, chướng bụng, sốt cao, nôn mửa, tiêu máu, táo bón, tiêu chảy… Viêm túi thừa thường do nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virus herpes.
6. Ung thư tá tràng
Ung thư là hiện tượng tá tràng xuất hiện khối u bất thường, làm giảm khả năng hấp thu và ngăn một phần hoặc toàn bộ thức ăn đi qua ruột. Bệnh được chia thành nhiều phân loại như ung thư biểu mô tuyến, u carcinoid, lymphoma và ung thư mô liên kết. Ở giai đoạn đầu, bệnh lý này thường không có biểu hiện rõ ràng. Khi khối u phát triển đến một thời điểm nhất định, sẽ gây ra các triệu chứng như đau bụng, trào ngược, phân lẫn máu, táo bón, nôn mửa, sụt cân không rõ nguyên nhân…
7. Tắc ruột non
Trường hợp này xảy ra khi ruột non trong đó có tá tràng, bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn. Điều này gây ra nhiều vấn đề bất lợi cho sức khỏe nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Một số triệu chứng của tắc ruột non bao gồm: Đau và chướng bụng, buồn nôn hoặc nôn mửa, khó tiêu, táo bón, khó hoặc không thể xì hơi, đại tiện…
Dấu hiệu bệnh lý tại tá tràng
Tá tràng là bộ phận quan trọng của cơ thể, do đó khi gặp vấn đề bất thường cần được chẩn đoán và điều trị nhanh chóng để không ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa cũng như sức khỏe tổng thể. Trường hợp gặp các dấu hiệu dưới đây, bạn cần đến bệnh viện để được can thiệp y tế kịp thời:
Đau bụng
Đầy hơi và chướng bụng
Ợ hơi, ợ chua
Táo bón
Tiêu chảy
Nôn mửa
Khó tiêu
Nôn máu hoặc tiêu phân máu
Sụt cân bất thường
Sốt…
Cận lâm sàng chẩn đoán bệnh lý của tá tràng
Với sự phát triển vượt bậc của y học hiện đại, cho phép bác sĩ phát hiện và đánh giá các vấn đề liên quan đến tá tràng ở giai đoạn sớm nhờ các phương pháp chẩn đoán như:
Xét nghiệm hơi thở nhằm kiểm tra nhiễm trùng H.pylori, một loại vi khuẩn gây ra nhiều bệnh lý liên quan đến tá tràng.
Chẩn đoán hình ảnh bằng các phương pháp như siêu âm, chụp X-quang, chụp CT, chụp MRI giúp quan sát các vấn đề bên trong tá tràng bao gồm: Vết loét, khối u, polyp…
Nội soi là kỹ thuật y khoa tiên tiến, cho phép bác sĩ quan sát cấu trúc bên trong tá tràng thông qua hình ảnh thu được từ camera ở đầu ống nội soi, từ đó đưa ra những chẩn đoán và phương pháp điều trị phù hợp.
Sinh thiết được thực hiện thông quá quá trình lấy mẫu tế bào hoặc mô ở vùng nghi bệnh, nhằm kiểm tra và phân tích các vấn đề liên quan dựa trên bệnh phẩm, giúp bác sĩ có những chẩn đoán chính xác hơn.
Phương pháp điều trị bệnh lý tại tá tràng
Sau khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp phù hợp để tối ưu hóa hiệu quả điều trị bệnh. Dưới đây là một số phương pháp thường được áp dụng trong điều trị các vấn đề:
Thuốc giảm đau - kháng viêm: Với những trường hợp viêm nhiễm nhẹ, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau hoặc thuốc kháng sinh thông thường giúp giảm triệu chứng. Nếu viêm nhiễm nặng, người bệnh có thể được yêu cầu điều trị bằng corticosteroid, một loại thuốc có khả năng kháng viêm, ức chế miễn dịch, giảm sưng đau…
Thuốc giảm axit dạ dày: Thuốc ức chế bơm proton (PPI) , thuốc chẹn thụ thể histamine (thuốc chẹn H2) và thuốc kháng axit là những loại thuốc có khả năng làm giảm axit dạ dày, hạn chế các bệnh lý do axit dạ dày gây nên.
Phẫu thuật: Trong một số trường hợp nghiêm trọng, người bệnh bắt buộc phải can thiệp phẫu thuật để cắt bỏ một phần tá tràng.
Làm thế nào để giữ cho tá tràng khỏe mạnh?
Hình thành thói quen tốt kết hợp với một chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp bảo vệ tá tràng luôn khỏe mạnh. Dưới đây là một số lưu ý cho bạn:
Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp, tăng cường tiêu thụ chất xơ từ các thực phẩm có hàm lượng axit thấp, uống đủ nước. Điều này giúp giảm tình trạng táo bón, khó tiêu và dư thừa axit dạ dày.
Tránh lạm dụng thuốc lá, rượu bia và chất kích thích vì chúng có thể gây ra các tác động tiêu cực tới tá tràng.
Tập thói quen đi vệ sinh trong cùng một thời điểm mỗi ngày, tốt nhất là sáng sớm. Tuyệt đối không nhịn quá lâu.
Stress, căng thẳng quá mức là một trong những nguyên nhân gây nên các bệnh lý về tiêu hóa. Để đảm bảo sức khỏe tá tràng, bạn nên duy trì tâm trạng vui vẻ, thoải mái bằng cách tham gia các hoạt động nhẹ nhàng như yoga, thiền, đọc sách, nấu ăn, gặp gỡ bạn bè…
Không nên lạm dụng thuốc, chỉ dùng thuốc trong những trường hợp cần thiết, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ/dược sĩ.
Thường xuyên vận động, tham gia các hoạt động thể dục thể thao.
Thức đêm không chỉ khiến bạn gặp các vấn đề liên quan đến não bộ, tim mạch, thần kinh… mà còn gây tác động tiêu cực đến hệ tiêu hóa. Do đó, bạn nên ngủ trước 11 giờ để tá tràng có thời gian nghỉ ngơi và hồi phục.
Thường xuyên theo dõi sức khỏe và can thiệp y tế kịp thời nếu xuất hiện vấn đề bất thường liên quan đến hệ tiêu hóa, trong đó có tá tràng.
Để đặt lịch thăm khám, tư vấn về sức khỏe, Quý khách vui lòng liên hệ trực tiếp qua:
Tá tràng là bộ phận quan trọng, đảm nhận nhiều chức năng của hệ tiêu hóa. Do đó, bạn cần tập thói quen sinh hoạt điều độ kết hợp với chế độ dinh dưỡng phù hợp để góp phần bảo vệ sức khỏe tổng thể cũng như chức năng của hệ tiêu hóa. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào liên quan, hãy tới các cơ sở y tế lớn để kiểm tra và điều trị kịp thời.