Vốn là loài cây mọc hoang, do nhu cầu thị trường, cây rành rành (cây chổi sể) ngày càng trở nên có giá. Người dân xứ Nghệ gọi rành rành là cây “nhiều không”, không tốn kém chi phí đầu tư, không lo mất mùa, không lo ế hàng… nhưng đem lại nguồn thu nhập hấp dẫn cho nhiều hộ nông dân.
"Chuyện tình" sim tím - rành rành
Rành rành thuộc loại cây bụi, cao chừng 50 - 150cm, phân bố chủ yếu trên các đồi trọc ở Bắc bộ, Bắc Trung Bộ. Từ xa xưa, người dân đã sử dụng loại cây này để làm củi, làm chổi… Vùng đồi núi các huyện Thanh Chương, Nam Đàn (Nghệ An) có khá nhiều cây rành rành. Tại Thanh Chương, rành rành tập trung ở xã Thanh Xuân, Thanh Lâm, Thanh Hà, Thanh Thủy, Xuân Tường, Thanh Hương… Ở Nam Đàn, rành rành có nhiều ở các xã Thượng Tân Lộc, Khánh Sơn, Nam Kim, dọc theo núi Đại Huệ, Hùng Sơn, Trét, dãy Thiên Nhẫn.
Trước đây khi chưa giao đất, giao rừng, ở đâu có đồi trọc, ở đó có rành rành, người dân đi cắt một cách tự do. Sau khi chia rừng, phần lớn diện tích đồi hoang ở các địa phương đã được phủ cây keo, cây rành rành chỉ còn tồn tại trên các vùng đất đồi cằn cỗi, sỏi đá. Từ ngày rành rành "lên ngôi", là mặt hàng được giá trên thị trường, thứ cây mọc hoang này đã được người dân khoanh nuôi.
Chất lượng, năng suất cây rành rành phụ thuộc vào sự chăm sóc của người dân. Vốn dĩ cây này có thể tận thu, nhưng nếu chăm sóc thì cây phát triển tốt, dày, nhiều cành, lắm lá, năng suất cao.
Những diện tích đồi trọc không được chăm sóc, cây thường ngắn, thưa. Hiện nay, bà con các địa phương ở Nghệ An thường khoanh nuôi rành rành theo 2 cách là chuyên canh và hỗn hợp. Khoanh nuôi độc cây rành rành sẽ cho năng suất cao.
Ông Nguyễn Văn Hành (57 tuổi) ở xã Thanh Xuân (Thanh Chương) cho biết: Đồi rành rành của gia đình ông rộng hơn 1,5ha, vốn là đồi tạp. Những năm trước, ông đã thuê nhân công đào hết cỏ và các loại cây bụi khác, chỉ để lại mỗi rành rành. Nhờ chăm sóc tốt, nên đồi rành rành của gia đình ông xanh tươi, dày mịt. Theo ông Hành, khoanh nuôi rành rành chuyên canh dễ chăm sóc, mỗi năm có thể cắt nhiều lần, 1ha có thể thu hoạch 4,2 - 4,5 tấn cây khô/lần.
Nếu khoanh nuôi hỗn hợp, từ đồi tạp người dân thường phát sẽ phát bớt cây bụi, cỏ dại..., chỉ để lại 2 loài cây chính là rành rành và sim. Giữa thời tiết nắng nóng, khô hạn, hai loài cây này tương hỗ cho nhau trong quá trình sinh trưởng. Khi thu hoạch rành rành, sim vẫn xanh tươi, giữ đất tốt cho vườn đồi. Những đồi sim - rành rành hỗn hợp sẽ cho thu hoạch 3 sản phẩm gồm cây rành rành, quả sim và cây sim cảnh.
Ông Phan Thái Xuân (52 tuổi) ở xã Thanh Xuân (Thanh Chương) hiện đang khoanh nuôi hơn 2ha đồi hỗn hợp sim - rành rành, là một trong những hộ khoanh nuôi rành rành nhiều nhất xã. Theo ông Xuân, mỗi năm gia đình ông thu về từ tiền bán cây rành rành khoảng 50 triệu đồng, tiền bán quả sim khoảng 30 triệu đồng. Hiện ông còn làm thêm dịch vụ bán cây sim cảnh. Nhận thấy lợi ích từ việc khoanh nuôi hỗn hợp, những năm gần đây, một số hộ dân ở xã Thanh Xuân đã không còn phá sim để nuôi rành rành, mà giữ, chăm sóc cả 2 loại cây trên.
Theo bà con nông dân, cây rành rành khó trồng mới. Một số hộ dân đã mày mò trồng thử bằng cây con, bằng hạt nhưng kết quả không như mong muốn, do đó khó mở rộng diện tích. Hầu hết các vườn đồi đang cho thu hoạch hiện nay ở Nghệ An chủ yếu là cây tự nhiên mọc hoang trên các vùng đồi.
Keo lai bỏ đi, rành rành ở lại...
Tháng 5, tháng 6 hàng năm, bà con nông dân một số xã ở huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Anh Sơn... (Nghệ An) vào mùa thu hoạch cây rành rành. Tùy từng địa phương, người dân có thể cắt cây vào mùa hè hay mùa đông, nhưng hiện nay bà con chủ yếu thu hoạch vào dịp nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 6 để thuận lợi cho việc phơi hong.
Đây cũng là gia đoạn cây rành rành cho lá và hoa nhiều nhất. Có 2 cách thu hoạch chính là cắt cuốn chiếu (cắt đồng loạt cả cây lớn lẫn cây bé) và cắt tỉa (chỉ lựa chọn những cây lớn để cắt). Một số hộ đã phối hợp cả hai cách trên, đầu năm cắt tỉa, cuối năm cắt cuốn chiếu. Mỗi cách thu hoạch có những ưu, nhược điểm riêng. Cắt tỉa khá tốn công nhưng cho thu nhập quanh năm, đồi cây luôn xanh tốt. Cắt cuốn chiếu nhanh, nhưng gặp trời đại hạn thì cây rành rành dễ mất sức, phát triển kém.
Được xem là “vua chổi” với diện tích khoanh nuôi cây rành rành lớn hàng đầu ở xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương), mỗi vụ thu hoạch, gia đình ông Nguyễn Duy Khanh ở xóm Trung Long đều phải thuê nhân công đến cắt tỉa, phơi ngay tại đồi.
Nói tới nghề khoanh nuôi rành rành ở Nghệ An, không thể không nhắc đến gia đình chị Nguyễn Thị Lành ở xã Thượng Tân Lộc (Nam Đàn). Trong khi người dân địa phương mỗi hộ chỉ có vài sào đến 1ha, nhưng gia đình chị khoanh nuôi tới 7ha, diện tích trải rộng trên 2 quả đồi.
Có được diện tích lớn như vậy theo chị Lành là do may mắn nhận được phần đất rừng đã có cây này. Những năm trước, nhà chị đã mạnh dạn phá bỏ cây keo để mở rộng diện tích, đồng thời đẩy mạnh việc cải tạo đồi tạp để thâm canh cây rành rành.
Với diện tích 7ha, đã đem lại cho gia đình chị mỗi năm trên dưới 250 triệu đồng. Chị Lành chia sẻ: Khoanh nuôi cây rành rành không phải đầu tư nhiều tiền bạc, không phát mất thời gian và công sức để làm đất, bón phân, phun thuốc, không lo mất mùa, không lo ế hàng, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu.
Thân, lá, hoa, cái gì cũng bán có tiền
Mùa thu hoạch rành rành, người dân có thể tự cắt hoặc bán cả vườn, đồi cho lái buôn. Đội ngũ thu mua cây rành rành xuất hiện ở nhiều địa phương. Người làm ăn lớn thu mua khắp các huyện, rồi thuê nhân công đi cắt, đưa xe ô tô, máy cày đến vận chuyển. Người làm ăn nhỏ thì mua từng chuyến về làm chổi mang đi bán ở các chợ hoặc nhập cho lái buôn.
10 kg rành rành khô thường làm được 25 - 30 chiếc chổi, giá chổi hiện tại 13.000 - 15.000 đồng/chiếc. Chị Hồ Thị Hòa ở xã Khánh Sơn (Nam Đàn) cho biết, gia đình chị buôn bán chổi trện hơn hai chục năm nay. Lúc cao điểm, mỗi tháng nhà chị “xuất xưởng” khoảng 10 - 15 tấn chổi. Để đủ nguyên liệu làm chổi, nhà chị phải thu mua rành rành khắp các huyện Nam Đàn, Thanh Chương (Nghệ An), Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ (Hà Tĩnh).
Việc thu hoạch rành rành khá vất vả, phải qua nhiều công đoạn như cắt, phơi, vò, đập… Mùa thu hoạch cây này cũng tạo thêm việc làm cho hàng trăm lao động nông nhàn ở các địa phương. Tuy công việc khó nhọc, nhưng mỗi người cũng kiếm được từ 220.000 - 350.000 đồng/ngày. Sử dụng cây rành rành làm chổi trện quét sạch, dùng bền, do đó nhu cầu về nguyên liệu rành rành trên thị trường khá lớn.
Ngoài ra, lá và hoa rành rành cũng được thu mua để sản xuất tinh dầu. Chổi rành rành được tiêu thụ khắp nơi trong tỉnh và theo chân lái buôn đến Hà Nội, Quảng Ninh... Lái buôn ở Thừa Thiên - Huế còn về tận Nghệ An để nhập hàng. Hiện rành rành khô chưa vò lá được thu mua với giá 11.000 - 12.000 đồng/kg, cây khô đã vò sạch lá khoảng 20.000 đồng/kg. Lá và hoa rành rành được mua với giá 120.000 đồng/bao tải...