"Holiday blues" (tạm dịch: “buồn chán trong mùa lễ hội”) không còn là khái niệm mới lạ của lĩnh vực tâm lý. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tái diễn vào các kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày.
Ký ức không tốt đẹp về những kỳ nghỉ lễ trong quá khứ, cảm giác nhớ nhung người thân yêu hay sự cô độc khi sống một mình là những nguyên nhân gây ra trạng thái buồn bã, chán nản trong giai đoạn chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, theo Psychology Today.
Holiday blues không phải tình trạng mới, song vẫn diễn ra mỗi mùa lễ hội (Ảnh minh hoạ)Không phải hội chứng mới
Thuật ngữ “holiday syndrome” (tạm dịch: “hội chứng kỳ nghỉ”) được dùng lần đầu tiên bởi bác sĩ tâm thần James P. Cattell vào năm 1955 để chỉ sự lo lắng, buồn bã xảy ra trong các kỳ nghỉ. Những người mắc hội chứng này thường cảm thấy cáu gắt, bất lực khi bước vào mùa lễ hội và mong muốn tìm ra giải pháp cho vấn đề này.
Theo Psychology Today, trạng thái này khác với các chứng bệnh tâm thần, vì thế không có chẩn đoán lâm sàng. Tuy nhiên, nếu tình trạng buồn bã, ủ dột kéo dài sau kỳ nghỉ với các dấu hiệu nặng nề hơn, bạn cần thăm khám sức khỏe tinh thần chuyên nghiệp.
Để đến bệnh viện, phòng khám kịp thời, người mắc chứng này cần theo dõi sự thay đổi tâm trạng của bản thân một cách kỹ càng trước, trong và sau mùa lễ hội.
Dù nhiều bài viết về "holiday blues" được công bố trên các tạp chí khoa học nổi tiếng, phương pháp đối phó với rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc theo mùa hay buồn bã trong kỳ nghỉ lễ vẫn chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống, khiến nhiều người hoang mang tìm cách giải quyết.
Tuy nhiên, một nghiên cứu thú vị về mối tương quan giữa bệnh trầm cảm và hành động gửi thiệp Giáng sinh đã được triết gia Shaun Gallagher thực hiện với 2.416 đối tượng tại Anh vào năm 2023. Khảo sát chỉ ra rằng những người mắc chứng trầm cảm gần như không bao giờ gửi thiệp Giáng sinh cho gia đình và bạn bè.
Như vậy, việc không gửi thiệp là một trong những dấu hiệu về sự suy giảm sức khỏe tinh thần. Khi không nhận được lời chúc từ những người thân yêu, bạn có thể hỏi thăm về tình trạng tâm lý và giúp đỡ họ nếu cần.
Hành động thăm hỏi này đặc biệt quan trọng, bởi 60% người mắc bệnh tâm thần bị ảnh hưởng xấu bởi không khí lễ hội, cảm thấy tồi tệ hơn trong giai đoạn này, cần sự hỗ trợ để vượt qua kỳ nghỉ dài ngày.
Nghỉ ngơi, tập thể dục và duy trì chế độ ăn uống điều độ là những lời khuyên được đưa ra (Ảnh minh hoạ)Đối phó với nỗi buồn kỳ nghỉ lễ thế nào?
“Làm thế nào để đối phó với nỗi buồn trong dịp lễ hội?” trở thành câu hỏi được nhiều người quan tâm. Tiến sĩ, nhà tâm lý học thần kinh Barbara Koltuska-Haskin, tác giả cuốn How My Brain Works, đưa ra 3 phương án xử lý tạm thời.
Thứ nhất, bạn cần dành nhiều thời gian cho bản thân và nghỉ ngơi đầy đủ. Đây là điều tưởng dễ dàng nhưng khó thực hiện trong Tết Âm lịch, bởi đây vốn là dịp gặp gỡ người thân, tụ họp bạn bè. Tuy nhiên, để tránh tạo ra cảm xúc tiêu cực, bạn cần cân đối thời gian biểu, ưu tiên các hoạt động chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần như tập thể dục, đi dạo hay thiền.
Thứ hai, việc tìm kiếm sự trợ giúp là hoàn toàn chính đáng. Nếu không thể nỗ lực giải quyết vấn đề tâm lý một mình, bạn có thể tâm sự với những người thân thiết, bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ họ.
Ngoài ra, khi tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn, bạn cần liên hệ phòng khám, bác sĩ để nhận sự giúp đỡ chuyên nghiệp. Với sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ, các bác sĩ, chuyên gia tâm lý dễ dàng tư vấn từ xa, giúp những người gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần vượt qua kỳ nghỉ lễ thuận lợi.
Thứ ba, duy trì chế độ ăn uống điều độ trong dịp lễ hội là chìa khóa để cải thiện sức khỏe tinh thần. Lạm dụng đồ ngọt hoặc đồ uống có cồn khiến cảm xúc của bạn thay đổi nhanh chóng, mất trạng thái cân bằng. Rượu là một trong những tác nhân gây buồn bã và căng thẳng.
TB (theo Znews)