Zona thần kinh ở lưng là tình trạng vùng da lưng bị nổi mụn nước do các tổn thương gây ra bởi virus Varicella zoster. Tương tự zona thần kinh ở mặt, mắt, tai, zona thần kinh ở lưng nếu không điều trị kịp thời vẫn có nguy cơ để lại những di chứng nặng nề suốt đời cho người bệnh.
Zona thần kinh ở lưng là gì?
Zona thần kinh (dân gian còn gọi là giời leo) là một bệnh ngoài da gây ra bởi virus Varicella zoster - đây là một trong số 8 loại virus herpes gây bệnh da liễu ở người, cũng chính là virus gây bệnh thủy đậu (trái rạ) hay gặp ở trẻ em, nhất là trẻ em dưới 5 tuổi.
Sở dĩ gọi là bệnh “zona thần kinh” là bởi virus Varicella zoster không chỉ gây ra những tổn thương lớp thượng bì của da mà còn xâm nhập sâu vào các dây thần kinh tại vùng da bị bệnh (làm viêm dây thần kinh cảm giác, và đôi khi là sừng sau & trước của chất xám, màng não, rễ thần kinh ở lưng) (1) khiến người bệnh phải trải qua những cơn đau nhức dữ dội kéo dài trong một thời gian dài thậm chí là suốt đời.
Bệnh có thể xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể, trong đó zona thần kinh ở lưng cũng được nhận định là vị trí “ưa thích” của virus VZV. Zona thần kinh ở lưng bắt đầu dưới dạng các nhóm mụn nhỏ, dần dần chứa đầy mủ và tạo thành bọng nước, tập trung thành dải quấn quanh một bên của vòng eo, có thể kéo dài từ phía trước thân đến tận cột sống, một dải kéo dài từ phía trước lồng ngực đến bả vai hoặc ở phía trước và phía sau vai và lên đến cổ. (2)
Bệnh thường không quá nguy hiểm và có thể kiểm soát tốt nếu phát hiện kịp thời. Tuy nhiên, nếu quá trình kiểm soát bệnh và điều trị sai cách, người bệnh vẫn có nguy cơ gặp phải không ít di chứng suốt đời như viêm loét da, nhiễm trùng da, đau dọc các dây thần kinh, rối loạn chức năng da, tế bào thần kinh tủy sống bị hủy hoại,… Mặc dù hiếm gặp nhưng vẫn có những trường hợp bệnh zona di chuyển lên cột sống gây viêm màng não, đột quỵ và các nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng khác.
Nguyên nhân bị zona ở lưng
Nguyên nhân bị zona ở lưng được xác định do sự tái hoạt động của virus Varicella zoster. Một người nhiễm bệnh thủy đậu, dù đã điều trị khỏi thì virus VZV vẫn không rời khỏi cơ thể, thay vào chúng không hoạt động và tồn tại âm thầm trong hạch thần kinh, chỉ khi gặp các yếu tố thuận lợi như người lớn tuổi, người bị suy giảm miễn dịch, người có sức đề kháng kém, căng thẳng,… sẽ hoạt động trở lại, ảnh hưởng trực tiếp đến những tế bào phân nhánh ở cột sống và gây zona thần kinh ở lưng.
Triệu chứng zona thần kinh ở lưng
Triệu chứng zona thần kinh ở lưng phổ biến như sốt, người uể oải, mệt mỏi, đau nhức mình mẩy,… cùng với các biểu hiện đặc trưng trên da như:
Cảm giác ngứa râm ran, đau rát như kim châm, nóng ran ở vùng lưng kèm theo những vết ban đỏ. Một hay nhiều đám mụn với kích thước nhỏ sẽ hình thành ngay tại vùng da này, dần dần chứa đầy mủ và tạo thành bọng nước chạy dọc theo đường phân bố của dây thần kinh ngoại biên.
Ở giai đoạn đầu, các bọng nước căng tròn chứa đầy chất dịch trong suốt, sau đó chuyển thành đục và hóa mủ. Các mụn nước sau khi vỡ, khô, kết thành vảy rồi bong ra để lại nhiều vết sẹo khiến người bệnh cảm thấy mất thẩm mỹ sau này.
Ở giai đoạn bùng phát cấp tính, tại những vùng da bị thương cảm giác ngứa ngáy nặng nề, các cơn đau nhức cũng tăng dần dữ dội, giật giật từng cơn. Ngoài những triệu chứng zona thần kinh ở lưng điển hình trên, bệnh còn khiến người bệnh cảm thấy chóng mặt, đi không vững, rối loạn hệ bài tiết và nhạy cảm hơn với ánh sáng.

Bệnh zona ở lưng có lây không?
ZONA THẦN KINH Ở LƯNG LÀ BỆNH CÓ THỂ LÂY! Với những người chưa từng mắc thủy đậu hoặc chưa tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu vẫn có nguy cơ cao nhiễm VZV gây bệnh thủy đậu, nếu có tiếp xúc với bọng nước bị vỡ hoặc qua giọt bắn khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi. Những người có tiền sử đã mắc bệnh thủy đậu có thể mắc zona thần kinh. Một số nghiên cứu cho thấy, bệnh zona thần kinh ít lây nhiễm hơn bệnh thủy đậu. Nhưng nó vẫn có thể lây lan, chủ yếu qua chất lỏng từ bọng nước zona. Khi các bọng nước vỡ, khô và kết vảy thì virus Varicella Zoster mới không còn khả năng truyền nhiễm cho người khác.
Chẩn đoán bệnh giời leo ở lưng như thế nào?
Bác sĩ có thể chẩn đoán zona thần kinh ở lưng (giời leo ở lưng) thông qua các tổn thương trên da kèm theo các triệu chứng đau rát, đau nhức dữ dội và thường nằm một bên cơ thể. Ngoài ra, bác sĩ cũng thường thực hiện kiểm tra thể chất và có thể lấy mẫu chất dịch có trong vết phồng rộp, gửi mẫu tế bào từ vùng da bị nặng hơn để xét nghiệm trong phòng thí nghiệm nhằm xác nhận chẩn đoán.
Cách trị zona thần kinh ở lưng
Hiện nay, không có bất kỳ phương pháp điều trị đặc hiệu zona thần kinh ở lưng. Hầu hết các cách trị zona thần kinh ở lưng đều có chung mục đích là ức chế hoạt động của virus, kiểm soát các cơn đau lưng nghiêm trọng bằng cách cho người bệnh sử dụng thuốc kháng virus, thuốc giảm đau kết hợp chăm sóc cẩn thận tại nhà.
Thuốc kháng virus điều trị zona thần kinh ở lưng
Ba loại thuốc kháng virus phổ biến nhất là Acyclovir, Valacyclovir, Famciclovir thường được chỉ định để điều trị bệnh zona thần kinh ở lưng có tác dụng đẩy nhanh quá trình phục hồi và giảm nguy cơ phát triển thành biến chứng đau dây thần kinh sau zona (PHN) nếu người bệnh điều trị sớm ngay khi bùng phát bệnh.

Các loại thuốc giảm đau điều trị zona thần kinh ở lưng
Acetaminophen, ibuprofen hoặc naproxen là một số loại thuốc giảm đau thường được bác sĩ kê toa giúp giảm mức độ trầm trọng của các cơn đau cho người bệnh. Những cơn đau có thể dai dẳng nhiều năm tháng sau đó, thậm chí là suốt đời. Người càng lớn tuổi nếu mắc zona thần kinh ở lưng thì triệu chứng đau càng nghiêm trọng.
Ngoài thuốc giảm đau kể trên, các miếng dán và kem bôi lidocain tại chỗ cũng được kê toa với tác dụng gây tê liên tục, từ đó giúp giảm đau lưng cho người mắc zona.
Một số lưu ý khi bị giời leo ở lưng
Bệnh zona thần kinh ở lưng (giời leo ở lưng) bên cạnh việc điều trị bằng thuốc do bác sĩ kê đơn thì việc áp dụng cách chăm sóc và điều trị tại nhà đối với người bệnh là vô cùng quan trọng. Người bệnh cần nắm được một số lưu ý quan trong khi tự chăm sóc tại nhà để mau phục hồi sức khỏe như:
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý: Người mắc bệnh zona thần kinh ở lưng nên tăng cường các loại thực phẩm từ cá, thịt, sữa vì chứa nhiều chất lysine (giúp ức chế sự tăng trưởng của virus VZV) và thực phẩm chứa nhiều vitamin A, B6, B12 (có tác dụng chống lại các tác nhân gây bệnh, đẩy nhanh quá trình tái tạo da nhờ khả năng chống viêm và oxy hóa). Tránh sử dụng các loại thực phẩm như ngũ cốc, yến mạch, socola, các chất kích thích như thuốc lá, bia, rượu.
- Vệ sinh cá nhân thường xuyên: Đối với những vùng da bị tổn thương cần được vệ sinh sạch sẽ, chăm sóc cẩn thận. Không sử dụng các loại xà phòng hoặc sữa tắm có chứa chất tẩy rửa quá mạnh.
- Mặc quần áo thoải mái, phù hợp: Tiêu chí chọn quần áo cho người mắc bệnh zona ở lưng là có chất vải mềm, mỏng, thoáng mát, dễ thấm hút mồ hôi để không làm tổn thương vùng da ở lưng có mụn nước, phòng ngừa nguy cơ nhiễm trùng da và hình thành sẹo mất thẩm mỹ sau này.
- Tuân thủ quy định của bác sĩ điều trị: Người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn chăm sóc bệnh và đơn thuốc bác sĩ đã kê toa để đạt hiệu quả tối ưu trong việc điều trị, đẩy nhanh quá trình phục hồi sức khỏe. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc ở ngoài hay sử dụng các phương pháp điều trị dân gian khi chưa có chỉ định từ bác sĩ, không tuân thủ quy định điều trị bệnh có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
- Đến cơ sở y tế thăm khám ngay nếu có triệu chứng nghi ngờ: Trong quá trình chăm sóc và điều trị tại nhà, nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu bất thường cần nhanh chóng đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám. Điều trị càng sớm sẽ giúp người mắc zona ở lưng mau phục hồi và và ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm trong tương lai.
Phòng ngừa bệnh zona ở lưng
Để ngăn ngừa zona thần kinh nói chung và zona thần kinh ở lưng nói riêng, mọi người cần chủ động tiêm vắc xin thủy đậu và vắc xin Zona thần kinh. Hiện nay nhiều quốc gia đã đưa vào sử dụng vắc xin ngừa zona, vắc xin được chứng minh an toàn, hiệu quả cao qua nhiều thử nghiệm lâm sàng.
Vắc xin Shingrix được dùng để phòng bệnh zona thần kinh và các biến chứng như đau dây thần kinh sau zona. Vắc xin Shingrix được nghiên cứu, phát triển và sản xuất bởi tập đoàn hàng đầu thế giới về dược phẩm và chế phẩm sinh học Glaxosmithkline (GSK) - Bỉ, được chỉ định tiêm cho người từ 50 tuổi trở lên và người từ 18 tuổi có nguy cơ mắc zona với hiệu lực trên 97%.
Đối với người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao mắc Zona thần kinh (người bị suy giảm miễn dịch hoặc bị ức chế miễn dịch hoặc có khả năng bị ức chế miễn dịch do bệnh lý/liệu pháp điều trị …) có lịch tiêm 2 mũi như sau:
- Mũi 1: lần tiêm đầu tiên Mũi 2: 1 tháng sau mũi 1
Đối với người từ 50 tuổi trở lên (hệ miễn dịch bình thường) có lịch tiêm 2 mũi như sau:
- Mũi 1: lần tiêm đầu tiên Mũi 2: 2 tháng sau mũi 1
Zona thần kinh ở lưng là bệnh không quá nguy hiểm, nhưng sẽ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng sống của người bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời, zona thần kinh ở lưng còn có thể gây ra các biến chứng như viêm loét da, nhiễm trùng da, đau dọc các dây thần kinh,… Vì thế, nếu phát hiện cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường cần đến ngay các cơ sở Y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.