Chùa Văn La có tên chữ là Văn Phúc tự, trông về hướng nam. Qua lời kể của các cụ cao niên trong làng thì chùa Văn La xưa kia có quy mô tương đối lớn nhưng trải qua chiến tranh ngôi chùa cổ đã bị hư hỏng một phần. Hiện tại, chùa gồm các hạng mục công trình: cổng, chùa chính, nhà Tổ, nhà Mẫu, hệ thống sân, vườn, cây ăn quả, xung quanh xây tường bảo vệ. Chùa chính được kết cấu theo kiểu chữ “đinh” gồm Tiền đường và Thượng điện. Tiền đường chùa được chia thành 5 gian nhà ngang làm theo kiểu tường xây hồi bít đốc hai mái chảy lợp ngói ri. Bên trong tương ứng với 5 gian là 6 bộ vì đỡ mái trên 5 hàng chân cột, các bộ vì được làm thống nhất theo kiểu “Thượng chồng rường con nhị, hạ rường nách, kẻ hiện.” Thượng điện gồm 3 gian nhà dọc nối từ gian giữa Tiền đường vào tạo cho kiến trúc chùa chính theo kiểu “chuôi vồ”.
Tượng Phật của chùa Văn La trước đây rất phong phú nhưng do ảnh hưởng của thời gian và chiến tranh nên hiện tại trong chùa còn lưu giữ được gần 25 pho tượng Phật, một toà Cửu long, một số tượng tổ, tượng mẫu, được làm từ gỗ và đất luyện gồm 3 pho Tam thế có kích thước và tạo dáng tương tự nhau, có số đo cao 79cm, ngang vai 34cm, rộng lòng đùi 53cm, đài sen của ba pho tượng này cao 19cm, với 3 lớp cánh đơn ngửa. Bộ Di Đà Tam tôn với A Di Đà ở giữa có chiều cao 85cm, rộng lòng đùi 67cm, ngang vai 39cm được tạo trong thế ngồi kiết già trên bệ, tay kết định ấn, bên tả là Quan Thế Âm bồ tát, bên hữu là Đại Thế Chí bồ tát có số đo tương tự nhau cao 113cm, ngang vai 28cm. Bộ Di Đà phát quang được tạc đứng trên đài sen, tượng có sọ nở, các cụm tóc kết hạt xoắn ốc nhỏ, khuôn mặt bầu tròn mắt khép hờ, miệng phảng phất nụ cười cứu thế, hai tay kết ấn cứu độ chúng sinh. Cùng hàng với Di Đà phát quang là tượng pho Nhị thiên vương hai bên có số đo cao 117cm, rộng vai 39cm, rộng gối 47cm, mang phong cách thời Nguyễn. Bộ tiếp theo ở giữa là tượng Quan Âm nam hải, hai bên là tượng Kim Đồng và Ngọc Nữ có niên đại cuối thế kỷ XVIII. Toà Cửu long, hai bên là tượng Nam Tào, Bắc Đẩu. Ở vị trí hồi trái Thượng điện là tượng Quan Âm toạ sơn có số đo cao 100cm ngang vai 30cm, ngang đùi 48cm, hồi bên phải Thượng điện là tượng Quan Âm tống tử.
Chùa Văn La qua thời gian tồn tại đến nay còn lưu giữ được một số di vật quý giá: 1 bức hoành phi gỗ sơn son thếp vàng; 1 quả chuông đồng thời Nguyễn, có chiều cao 130cm, đường kính miệng 57cm, miệng loe khỏi thân 6cm; 1 bộ ngũ sự đồng gồm 1 bát hương, 2 chân đèn và 2 chân nến, cùng một số đồ thờ tự....
Chùa đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2005./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02