Với đặc tính thanh mát và khả năng thanh lọc cơ thể, mủ trôm thường được nhiều người ứng dụng vào các phương pháp giảm cân. Vậy công dụng cụ thể của mủ trôm là gì và cách pha chế như thế nào? Pharmacity sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc ngay trong bài viết sau đây.
Mủ trôm là gì?
Mủ trôm là gì? Mủ trôm còn có tên gọi khác là nhựa trôm, vì đây là sản phẩm tiết ra từ các vết thương trên vỏ cây trôm. Loài cây này thường mọc tự nhiên ở vùng nhiệt đới, tại Việt Nam, chúng có nhiều ở các tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận,…
Mủ trôm khô nguyên chất sẽ có màu trắng ngà hoặc trắng đục, có hình dạng thanh dài hoặc cục tròn tùy thuộc vào cách thu hoạch. Khi ngâm trong nước, mủ trôm sẽ hấp thụ nước và nở ra, tạo thành một hỗn hợp có một chút nhớt và sánh mịn.
Thành phần dinh dưỡng của mủ trôm
Thành phần dinh dưỡng của mủ trôm bao gồm các dưỡng chất quan trọng đối với sức khỏe. Có thể kể đến là canxi, kẽm, sắt, natri, kali, các loại axit amin như lysine, leucine, phenylalanine, threonine, methionine, isoleucine, valine, histidine và nhiều chất khác.
Ngoài ra, trong thành phần của nhựa trôm còn có 37% axit uronic và các hợp chất polysaccharide có cấu trúc phân tử cao, còn được gọi là đường phức. Khi hợp chất polysaccharide này trải qua quá trình thủy phân, chúng sẽ tạo thành các loại đường như L-rhamnose, axit D-galacturonic, D-galactose, acetylat và trimetylamin.
Mủ trôm có tác dụng gì?
Tác dụng của mủ trôm là gì? Nhờ vào thành phần dinh dưỡng đa dạng và dồi dào, mủ trôm mang lại nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe. Ngay sau đây, Pharmacity sẽ cung cấp cho bạn thông tin về 6 lợi ích nổi bật khi sử dụng mủ trôm.
Hỗ trợ giảm cân
Mủ trôm có khả năng hấp thụ nước mạnh mẽ, do đó, khi tiêu thụ mủ trôm, bạn sẽ muốn uống nhiều nước và no nhanh hơn. Điều này có thể giúp giảm cảm giác đói và kiểm soát lượng thức ăn tiêu thụ, từ đó thúc đẩy quá trình giảm cân hiệu quả hơn.
Xem thêm: Uống gì để giảm cân? 7 loại thức uống đánh bay mỡ thừa ngay tại nhà
Ổn định đường huyết
Một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng mủ trôm có ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe của con người, đặc biệt là khả năng kiểm soát lượng đường trong máu. Nó có thể giúp điều hòa đường huyết, ngăn ngừa xơ vữa động mạch cũng như những vấn đề khác về các bệnh tim mạch. Bên cạnh đó, mủ trôm cũng rất tốt cho người có mức cholesterol và triglyceride cao, giúp hỗ trợ làm dịu gan, giải độc gan và làm lành vết thương nhanh chóng.
Nhuận tràng, giảm táo bón
Nhựa trôm là một loại thuốc nhuận tràng tự nhiên, có tác dụng giúp hệ tiêu hóa hoạt động ổn định và giảm tình trạng táo bón. Lý do là bởi nhựa trôm có khả năng hút nước mạnh và biến thành chất gel sánh khi tiếp xúc với nước. Khi bạn uống nhựa trôm, chất này sẽ nở ra trong ruột, bám vào các cặn thải và chất gây hại.
Nhờ đó, nhựa trôm giúp phân mềm và dễ di chuyển qua đường tiêu hóa. Đồng thời, nhựa trôm cũng kích thích nhu động ruột, giúp ruột già hoạt động trơn tru, đẩy phân ra ngoài dễ dàng hơn.
Trị mụn và làm đẹp da
Đặc biệt, có một công dụng của mủ trôm rất được các chị em yêu thích, đó chính là giảm mụn và làm đẹp da. Mủ trôm, được biết đến như một phương pháp tự nhiên để trị mụn. Các thành phần chống viêm và kháng khuẩn trong mủ trôm giúp ngăn chặn viêm nhiễm và tiêu diệt vi khuẩn gây mụn.
Ngoài ra, mủ trôm cũng giúp giảm sưng, đỏ và ngứa da. Với tính chất làm sạch da của mình, mủ trôm giúp loại bỏ dầu thừa và giảm tắc nghẽn lỗ chân lông, từ đó cải thiện các vấn đề về mụn một cách hiệu quả. Mặc dù không phải là phương pháp trị mụn chính thống, mủ trôm cũng được xem là một giải pháp tự nhiên cho những người bị mụn ở mức độ nhẹ.
Giảm căng thẳng thần kinh, cải thiện giấc ngủ
Sử dụng mủ trôm hàng ngày sẽ giúp cải thiện giấc ngủ một cách đáng kể, giải tỏa căng thẳng và giúp tinh thần thoải mái. Công dụng này của mủ trôm rất phù hợp với những ai thường xuyên bị mất ngủ, bị stress hoặc là người phải đi làm bận rộn mỗi ngày.
Xem thêm: Top 10 cách cải thiện mất ngủ ban đêm tại nhà hiệu quả
Thanh lọc cơ thể
Mủ trôm là một loại thực phẩm được biết đến với nhiều công dụng, trong đó có tác dụng thanh lọc cơ thể. Theo Đông y, mủ trôm có vị ngọt, tính mát, có tác dụng mát gan, thanh nhiệt, giải độc. Để thanh lọc cơ thể bằng mủ trôm, bạn có thể pha mủ trôm với nước đường phèn hoặc nước lá dứa, lá chè xanh,… Uống mủ trôm hàng ngày sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, làn da mịn màng.
Phân biệt mủ trôm và tuyết yến
Mủ trôm và tuyết yến có ngoại hình cũng như là hương vị tương tự nhau, điều này khiến cho nhiều người dễ nhầm lẫn. Tuy nhiên, cách mà hai loại thực phẩm này được khai thác và ứng dụng lại rất khác nhau. Để phân biệt giữa mủ trôm và tuyết yến, hãy xem xét những điểm sau đây:
- Mủ trôm: Là một loại nhựa cây, có màu trắng đục và pha lẫn một chút nâu nhạt. Nó có hương vị ngọt, cần phải được ngâm nước và đun sôi cho đến khi tan hoàn toàn mới có thể sử dụng được.
- Tuyết yến: Là một dạng dịch của cây với màu trắng trong, khá cứng và ít tạp chất. Nó có vị chua và cũng cần phải được ngâm nước trước khi sử dụng. Tuyết yến thường có giá đắt hơn do tác dụng của nó vượt trội hơn so với mủ trôm.
Hướng dẫn cách pha nước mủ trôm với đường phèn
Tác dụng của mủ trôm rất tốt và bổ ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, để tận dụng được tối đa các lợi ích, cần biết cách pha nước mủ trôm sao cho không làm mất đi các chất dinh dưỡng quan trọng. Sau đây, Pharmacity sẽ hướng dẫn bạn cách pha nước mủ trôm với đường phèn hiệu quả, ngon miệng và nhiều dưỡng chất.
Chuẩn bị nguyên liệu
Nguyên liệu pha nước mủ trôm với đường phèn đặc biệt đơn giản. Bao gồm mủ trôm, nước lọc, đường phèn và dầu chuối. Trong đó, dầu chuối là thành phần bổ sung thêm, nếu bạn không có cũng không sao.
Cách pha chế
Cách pha chế cụ thể như sau:
- Bước 1: Sơ chế nguyên liệu. Ngâm mủ trôm trong nước ấm khoảng 12 đến 15 tiếng sao cho viên mủ trôm nở ra hoàn toàn. Thời gian cụ thể còn tùy thuộc vào kích thước của viên mủ trôm, càng lớn thì càng phải ngâm lâu.
- Bước 2: Đun nước đường phèn. Đun nước sôi lên và cho đường phèn vào, khuấy đều cho đến khi đường tan hết thì tắt bếp. Nước và đường phèn cho vào có thể tùy ý điều chỉnh, hoặc làm theo công thức pha chế là 1 kg đường và 700ml nước. Lưu ý ở bước này là không nấu chung với mủ trôm để tránh làm mất công dụng của mủ trôm.
- Bước 3: Nấu nước mủ trôm đường phèn: Sau khi nước đường phèn đã nguội, cho mủ trôm vào và thêm vài giọt dầu chuối để tăng hương vị. Thế là đã hoàn thành món nước mủ trôm đường phèn ngon lành và bổ dưỡng.
Hướng dẫn cách bảo quản
Cách bảo quản nước mủ trôm pha với đường phèn cũng cực kỳ là đơn giản. Bạn chỉ việc cho phần nước chưa dùng vào hũ thủy tinh hoặc bình đựng có nắp, để vào ngăn mát tủ lạnh là có thể bảo quản được nhiều ngày.
Những lưu ý khi uống mủ trôm
Khi sử dụng mủ trôm, bạn cần quan tâm đến một số lưu ý quan trọng. Cụ thể như:
- Không nên lạm dụng quá mức: Mặc dù công dụng của mủ trôm rất nhiều nhưng không đồng nghĩa với việc chúng ta có thể sử dụng nó vô tội vạ. Thay vào đó, cần đặc biệt lưu ý đến liều lượng khi dùng nước mủ trôm.
- Triệu chứng bất thường: Nếu sau khi dùng mủ trôm mà gặp phải các tình trạng khác thường như buồn nôn, tiêu chảy,… cần phải ngưng sử dụng ngay. Và lập tức đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
- Đối tượng không được dùng mủ trôm: Phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú; Người có khối u trong đường ruột; Người đang trong quá trình điều trị bệnh, có nguy cơ gây tương tác thuốc làm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe;…
[Giải đáp] Uống nhiều mủ trôm có tốt không?
Bên cạnh các công dụng thì tác hại của mủ trôm cũng là vấn đề đặc biệt cần được quan tâm. Trên thực tế, mủ trôm rất tốt cho sức khỏe, nhưng nếu sử dụng không đúng cách hoặc lạm dụng quá mức sẽ dẫn đến các triệu chứng nguy hiểm. Vì vậy, người dùng cần ghi nhớ các lưu ý mà Pharmacity liệt kê ở phía trên, nhằm đảm bảo sức khỏe khi sử dụng loại thức uống này.
Hy vọng rằng các thông tin trong bài viết này đã giúp bạn giải đáp thắc mắc: Mủ trôm là gì? Lợi ích và các lưu ý khi sử dụng mủ trôm như thế nào?. Hơn thế nữa, để trang bị thêm các kiến thức cần thiết để bảo vệ sức khỏe toàn diện, đừng quên theo dõi Pharmacity để đón xem các bài viết bổ ích khác nhé!
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Xem thêm:
- Uống nước ép: 5 loại nước ép trái cây tốt cho sức khỏe và những điều nên tránh
- Uống bột nghệ, tinh bột nghệ có tác dụng gì? Nên uống như thế nào cho đúng cách?
- Uống Detox đúng cách: 5 công thức Detox giúp giữ dáng, đẹp da hiệu quả
- Tìm hiểu tác dụng của sữa hạt sen và cách nấu đơn giản, dễ thực hiện tại nhà